Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài xuất - nhập cảnh và cư trú

Du khách quốc tế có vai trò quan trọng với ngành du lịch của Việt Nam. Chủ trương nhất quán của chúng ta là luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Thông tin sai sự thật về chính sách với du khách nước ngoài

Tuần trước, tờ Mirror của Anh đưa tin Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân nước này đến Việt Nam có thể bị tịch thu hộ chiếu, cấm xuất cảnh mà không nói rõ lý do hoặc các trường hợp cụ thể. Tờ này cũng cho rằng chính quyền địa phương Việt Nam có thể xem xét nội dung được lưu trữ hoặc truy cập trên các thiết bị điện tử của du khách Anh.

Liên quan đến thông tin trên, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm 22-8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những thông tin sai sự thật như vậy. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội”.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin không đúng sự thật về chính sách của Việt Nam với du khách nước ngoài. Hồi tháng 5-2024, một số hội nhóm trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin về việc “Người nước ngoài xuất cảnh khỏi Việt Nam phải làm thủ tục khai báo tạm vắng, nếu không sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt lên tới hàng chục triệu đồng”. Công an TP Hà Nội đã phải lên tiếng khẳng định đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp bảo lãnh, sử dụng lao động người nước ngoài, người nước ngoài cũng như các cơ sở lưu trú có người nước ngoài tạm trú.

Du khách quốc tế có vai trò quan trọng với ngành du lịch Việt Nam bởi đem lại nguồn thu ngoại tệ dồi dào cho đất nước lớn. Số liệu từ Tổng cục Du lịch quốc gia cho thấy, trong 6 năm trước dịch (2014-2019), tổng lượng khách nội địa gấp 5-7 lần lượng khách quốc tế nhưng doanh thu từ khách quốc tế cao hơn 1,4 -1,6 lần. Mức chi trả cho chuyến du lịch tại Việt Nam ở khách quốc tế giai đoạn này cũng cao 5-9 lần so với khách nội địa. Còn thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2022 cho thấy, trung bình một khách quốc tế chi tiêu cho chuyến du lịch ở Việt Nam là 1.038 USD, cao gần 7 lần mức chi tiêu của khách Việt là 160 USD.

Chính vì thế, thúc đẩy du lịch phát triển, tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tích cực triển khai thực hiện. Một trong những động lực thúc đẩy du lịch quốc tế được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây là chính sách thị thực mới của Việt Nam. Trước đây, Việt Nam chỉ áp dụng cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia với thời hạn tối đa 30 ngày và có hiệu lực cho nhập cảnh 1 lần. Kể từ ngày 15-8-2023, thị thực điện tử được mở rộng cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ với thời hạn lên đến 90 ngày và hiệu lực nhập cảnh một hoặc nhiều lần. Thời gian miễn thị thực cho một số quốc gia cũng tăng gấp 3 lần, từ 15 lên 45 ngày.

Nhờ các biện pháp hỗ trợ kịp thời, hoạt động du lịch nói chung và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nói riêng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Còn theo thống kê của nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda công bố ngày 23-5, Việt Nam có lượng tìm kiếm tăng 66%, đứng thứ ba trong danh sách những điểm đến châu Á thu hút khách châu Âu. 3 điểm đến được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Hội An và Nha Trang vì mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng, phiêu lưu và văn hóa.

Mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực

Với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian gần đây, nhiều khả năng ngành du lịch nước ta sẽ hoàn thành chỉ tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm, tương đương mức tăng kỷ lục trước dịch Covid-19 (năm 2019). Tuy nhiên, so với mục tiêu năm 2024 của du lịch một số nước khu vực như Thái Lan và Malaysia, con số này vẫn rất khiêm tốn. Du lịch Việt Nam còn nhiều điều cần làm nếu muốn trở thành điểm đến thu hút khách quốc tế hàng đầu khu vực.

Theo các chuyên gia, độ “mở” về chính sách thị thực là yếu tố đầu tiên cần quan tâm khi muốn đón nhiều khách. Đây cũng là “đòn bẩy” đã được nhiều quốc gia trong khu vực tận dụng để thu hút khách quốc tế. Nhìn sang “đối thủ cạnh tranh” số 1 của du lịch Việt Nam là Thái Lan, có thể thấy Thái Lan luôn chủ động đưa ra những chính sách linh hoạt liên quan đến thị thực. Ngay sau khi kết thúc chính sách miễn thị thực cho khách Trung Quốc trong 5 tháng, Thái Lan và Trung Quốc đã quyết định miễn thị thực vĩnh viễn cho công dân hai nước từ tháng 3-2024. Để thu hút và thúc đẩy du khách lưu trú dài ngày, từ tháng 6-2024, Thái Lan cho phép du khách từ 93 quốc gia (trước đó là 57 quốc gia) lưu trú trong thời gian 60 ngày, công dân từ nhiều quốc gia khác nếu đủ điều kiện được phê duyệt cấp thị thực tại cửa khẩu.

Trước dịch Covid-19, khách thường lên kế hoạch trước cả tháng, thậm chí vài tháng cho hành trình du lịch. Nhưng sau đại dịch, quyết định đi du lịch của khách có xu hướng tính theo ngày cho nên điểm đến nào có chính sách mở cửa thuận lợi sẽ dễ hút khách hơn. Đó là lý do Việt Nam cần tiếp tục có những nghiên cứu để điều chỉnh chính sách thị thực linh hoạt, giúp thu hút đa dạng các thị trường khách giàu tiềm năng.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch. Theo nghiên cứu của Dự án du lịch bền vững của Thụy Sĩ (SSTP), 3 lý do chính để khách du lịch đến thăm Việt Nam gồm sự đa dạng văn hóa và các di sản văn hóa của đất nước (87,5%); thiên nhiên và kỳ quan thiên nhiên (62,5%); món ăn và ẩm thực (58,3%). Trong Bảng xếp hạng phát triển du lịch năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 24 về tài nguyên tự nhiên và thứ 25 về tài nguyên văn hóa, nằm trong nhóm dẫn đầu trên tổng số 117 quốc gia.

Để phát huy các thế mạnh trên, du lịch Việt cần có kế hoạch ngắn, trung và dài hạn trong việc hút khách du lịch. Đối với kế hoạch ngắn hạn, ngoài cải thiện và đơn giản hóa các quy định về thị thực, du lịch Việt Nam cần nâng cao khả năng tiếp cận hàng không, khuyến khích nhiều chuyến bay thẳng hơn từ các thị trường trọng điểm. Hàng không và du lịch cần tăng cường hợp tác cũng như giảm phí dịch vụ tại sân bay quốc tế. Với chiến lược trung hạn, ngành du lịch cần phát triển các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách nhiều hơn cũng như đẩy mạnh và đổi mới chiến dịch tiếp thị, quảng bá du lịch. Giới chức cũng cần tăng cường quản lý điểm đến bền vững và thân thiện, qua đó giúp gia tăng trải nghiệm của khách và thu hút họ quay lại điểm đến nhiều hơn.

Về dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông lẫn du lịch, mở rộng thêm nhiều tuyến đường bộ đến các điểm du lịch và cảng hàng không quốc tế. Sau dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu nên cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu cao của khách quốc tế trong lâu dài.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-luon-tao-thuan-loi-cho-nguoi-nuoc-ngoai-xuat-nhap-canh-va-cu-tru-post587078.antd