Việt Nam luôn thúc đẩy không khí đồng thuận, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021 của Việt Nam ghi đậm 5 dấu ấn lớn. Trong điều hành, xử lý các công việc chung, Việt Nam luôn thúc đẩy không khí đồng thuận, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Ngày 22/1/2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị.
Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an LHQ cách đây tròn 2 năm trong bối cảnh thế giới và khu vực có những thuận lợi đan xen với thách thức, khó khăn, có những diễn biến vượt ngoài dự báo thông thường.
Với thông điệp xuyên suốt là "Đối tác vì một nền hòa bình bền vững", Việt Nam đã tham gia Hội đồng Bảo an với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm cao, cân bằng, minh bạch, đề xuất nhiều sáng kiến, đóng góp thực chất vào công việc của Hội đồng Bảo an.
"Chúng ta đã thực sự thể hiện rõ tâm thế, bản sắc và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân văn, trọng công lý và lẽ phải, đổi mới, năng động, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm vì hòa bình và phát triển bền vững trên thế giới", ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đánh giá khái quát, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021 (HĐBA) của Việt Nam ghi đậm 5 dấu ấn lớn.
Thứ nhất, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Trong điều hành, xử lý các công việc chung, Việt Nam luôn thúc đẩy không khí đồng thuận, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Thứ hai, Việt Nam đã thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, trong đó có cả xử lý hậu quả xung đột, hướng tới phát triển lâu dài của quốc gia. Từ kinh nghiệm tái thiết đất nước của mình, Việt Nam đã hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến những hậu quả lâu dài của xung đột với cuộc sống của người dân và an ninh, phát triển của các quốc gia, trong đó có vấn đề bom mìn còn sót lại sau xung đột.
Trong vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Chủ tịch của HĐBA nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để chung tay giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh đối với an toàn và sinh kế của người dân, cộng đồng.
Thứ ba, thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường bảo vệ thường dân trong xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em một cách thực chất. Việt Nam đã chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - Nghị quyết riêng đầu tiên của HĐBA về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột như trường học, bệnh viện, hạ tầng điện nước; và được cả 15 nước HĐBA đồng bảo trợ...
Thứ tư, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa LHQ, HĐBA với các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như đề cao vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN tại HĐBA.
Thứ năm, đã chủ động đề xuất các giải pháp toàn cầu về nhiều vấn đề toàn cầu, nhất là xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với dịch bệnh.
Tại cuộc họp cấp cao của HĐBA về an ninh biển (8/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu sáng kiến thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do LHQ điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung, được rất nhiều đối tác hoan nghênh.
Về ứng phó với dịch bệnh COVID-19, tại cuộc họp HĐBA tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh kêu gọi bảo đảm tiếp cận vắc xin cho tất cả các nước với giá cả phù hợp và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao, bước đầu tạo cơ sở cho đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp rất thiết thực khác như đề xuất sáng kiến Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh; khởi xướng thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước Luật Biển và đặc biệt là đã tăng cường cử lực lượng tới các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ…