Việt Nam - Malaysia: Thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện và đi vào chiều sâu

Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư được xem là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Malaysia.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz trao biên bản ký kết tại Kỳ họp thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Malaysia (Hà Nội, ngày 9/7/2024). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz trao biên bản ký kết tại Kỳ họp thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Malaysia (Hà Nội, ngày 9/7/2024). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trong ASEAN, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam - Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đang từng bước phát triển. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 14,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, ngày càng gần với mục tiêu kim ngạch song phương đề ra là 18 tỷ USD. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46, cùng các hội nghị cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tiếp thêm động lực thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và đi vào chiều sâu.

Quan hệ bổ trợ

Malaysia là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong khu vực ASEAN, đồng thời là quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Malaysia đạt 4,8 tỷ USD, giảm 1,2%; trong đó, xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 3,7% và nhập khẩu đạt 3,1 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Về xuất khẩu, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm sắt thép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gạo; thủy sản. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn tập trung vào mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; kim loại thường khác; chất dẻo nguyên liệu; dầu mỡ động thực vật.

Tại Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp thương mại Việt Nam- Malaysia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao và luôn coi Malaysia là đối tác quan trọng về kinh tế - thương mại và đầu tư của Việt Nam. Kể từ kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Hợp tác năng lượng, cung ứng lao động, hợp tác trong các khuôn khổ đa phương tiếp tục phát triển tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư, ngân hàng, lao động… cũng có nhiều bước phát triển mới.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích đáng kể nhưng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng vẫn còn một số nội dung hợp tác chưa thực sự như mong muốn của cả hai bên và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Các hoạt động hợp tác xúc tiến, tạo thuận lợi thương mại, hợp tác trong lĩnh vực Halal và lĩnh vực công nghiệp vẫn còn hạn chế. Do đó, hai bên cần nỗ lực trong việc đưa ra các phương hướng, biện pháp để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của mỗi bên nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cơ quan Phát triển Ngoại thương Malaysia (Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại với mục đích thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước.

Ông Lê Phú Cường, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết: Malaysia là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam. Không những vậy, Malaysia có độ mở thị trường lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do cùng tham gia nhiều hiệp định tự do. Đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng thị phần hàng hóa tại Malaysia.

Cơ cấu thương mại giữa hai nước cũng cho thấy sự đa dạng; trong đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Malaysia các mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử và nông sản. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Malaysia nhiều mặt hàng công nghệ cao và nguyên liệu sản xuất. Điều này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho Malaysia trong việc tiếp cận thị trường lớn của Việt Nam.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã phối hợp, mời đoàn doanh nghiệp Malaysia; trong đó, có Công ty Digital AI KeyAD Media Asia Sen. Bhd. và Phòng Thương mại Mã-Việt (MVCC) tham gia chương trình Gặp gỡ 2025: Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Theo ông Lê Phú Cường, chuyến khảo sát thực tế không chỉ giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài nói chung mà còn giúp doanh nghiệp, đối tác Malaysia nói riêng có thêm thông tin về quy hoạch chi tiết và tiềm năng phát triển của hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Từ đó nâng cao cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Malaysia. Đáng chú ý, trong chuyến công tác Việt Nam lần này, doanh nghiệp Malaysia đã đề nghị Thương vụ hỗ trợ, kết nối thêm các chuyến thăm và làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến và đồ uống, nhất là sản phẩm có chứng chỉ Halal tại khu vực Hà Nội.

Hợp tác toàn diện

Tại lễ ký kết Ý định thư về hợp tác Halal giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz cùng khẳng định, Halal là lĩnh vực hợp tác tiềm năng, có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp tăng cường kim ngạch thương mại song phương mà còn giúp doanh nghiệp hai bên khai thác cơ hội thúc đẩy thương mại với thị trường khác.

Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) Zafrul Abdul Aziz cho rằng, hợp tác công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Malaysia có thể giúp hàng Việt tiếp cận được gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn cầu, chiếm hơn 24% dân số thế giới.

Đặc biệt, Malaysia sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị Halal. Cụ thể, sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal, những sản phẩm phải được mở rộng kiểm soát từ nguồn gốc, xuất xứ đến các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến và đến cả tay người tiêu dùng.

Đánh giá về tiềm năng và lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai cho biết: Với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, gần các thị trường Hồi giáo lớn như Malaysia, Indonesia và Singapore, Việt Nam có nhiều cơ hội cho thương mại và xuất khẩu các mặt hàng Halal.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng và phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, là nền tảng vững chắc cho ngành thực phẩm Halal. Nếu có được quy trình chứng nhận, các mặt hàng của Việt Nam sẽ phù hợp với thị trường Halal. Đặc biệt, năm nay sẽ đánh dấu 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (8/2015 - 8/2025) giữa Việt Nam và Malaysia.

Hai nước đang không ngừng hướng đến hợp tác toàn diện và gắn kết hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, an ninh - quốc phòng đến kinh tế; trong đó, phát triển ngành công nghiệp Halal được xác định là lĩnh vực ưu tiên với kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội vàng cho cả hai bên.

Để giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng Malaysia trong tháng 5 này và tháng 6 tới, Thương vụ Việt Nam tại Maylaysia phối hợp tổ chức 3 đợt “Hội chợ hàng Việt/Tuần lễ hàng Việt Nam tại Malaysia năm 2025” nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam là đất nước có nền sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng, đáng tin cậy và phù hợp với người Hồi giáo.

Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi Tuần hàng Việt tại Malaysia và phản ánh những nỗ lực của Thương vụ trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần hàng Việt, đồng thời tạo cầu nối thiết thực giữa doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia.

“Việc khai thác thị trường các nước khu vực ASEAN như Malaysia trở nên cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới nhằm giảm bớt áp lực xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm”, ông Lê Phú Cường nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hai nước sở hữu những điểm mạnh mang tính chiến lược và bổ trợ lẫn nhau cần được nắm bắt để hợp tác, từ đó doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp cận tốt nhất thị trường của nhau. Đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác mới còn nhiều dư địa như công nghiệp Halal, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng xanh.

Nhằm thúc đẩy thương mại song phương, Bộ Công Thương cho biết: Hai bên tích cực phối hợp để triển khai kết quả, nội dung thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Malaysia; tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi thông tin về chính sách, quy định quản lý, thủ tục xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Ngoài ra, hai bên sẽ tạo điều kiện tăng cường triển khai xúc tiến thương mại các mặt hàng có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm, đồ uống... cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện tại Malaysia và Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại 2 nước lên tầm cao mới.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-malaysia-thuc-day-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-va-di-vao-chieu-sau-20250524093424705.htm