Việt Nam mở rộng cơ hội đầu tư trung tâm dữ liệu
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản Sài Gòn (Saigon Asset Management - SAM) cho rằng, thị trường hạ tầng dữ liệu tại Việt Nam hiện được nhà đầu tư đánh giá khá cao về tiềm năng tăng trưởng và trong tương lai, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc phát triển các trung tâm dữ liệu.

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản Sài Gòn.
Dưới góc độ nhà đầu tư, theo ông, đâu là lợi thế chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển trung tâm dữ liệu?
Theo tôi, lợi thế đầu tiên là nhu cầu.
Thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn. Hiện tại, các tập đoàn công nghệ lớn vẫn chủ yếu lưu trữ dữ liệu tại Singapore và Malaysia, nhưng khi các vấn đề độ trễ (latency) phát sinh và nhu cầu tăng, họ sẽ buộc phải xây dựng hạ tầng lưu trữ dữ liệu quy mô lớn ngay tại Việt Nam. Các lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử và y tế cũng phụ thuộc mạnh vào năng lực xử lý và lưu trữ dữ liệu. Ngoài nhu cầu lưu trữ, điện toán AI và điện toán biên (edge computing) được dự báo tạo ra làn sóng nhu cầu mới về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Katalyst đang hợp tác với các hyperscaler để cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho cả khách hàng trong và ngoài nước.
Lợi thế thứ hai là chi phí cạnh tranh.
Việt Nam đang là một trong những thị trường có chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung bình khoảng 7 triệu USD/megawatt. Chi phí đất cũng khá hợp lý, đặc biệt ở các vùng ven TP.HCM và Hà Nội.
Lợi thế thứ ba là vị trí.
Việt Nam gần các thị trường lớn ở châu Á - Thái Bình Dương nên có thể trở thành trung tâm khu vực lý tưởng cho các hoạt động của trung tâm dữ liệu. Lợi thế về mặt địa lý này hỗ trợ các doanh nghiệp muốn mở rộng dấu ấn kỹ thuật số của mình trên khắp Đông Nam Á.
Cuối cùng, nền kinh tế số đang phát triển mạnh với hơn 80 triệu người dùng Internet và tỷ lệ sử dụng smartphone cao. Nhu cầu dịch vụ số bùng nổ kéo theo yêu cầu về hạ tầng dữ liệu hiện đại, tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Theo ông, đây có phải là động lực chính thúc đẩy SAM và nhà đầu tư nước ngoài quyết định phát triển Dự án Katalyst DigitalHub tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP)?
Quyết định triển khai Dự án Katalyst DigitalHub tại VSIP được chúng tôi đưa ra dựa trên 3 lý do chính.
Thứ nhất, khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến nhu cầu tăng trưởng chưa từng có về trung tâm dữ liệu, từ nhu cầu lưu trữ, dịch vụ điện toán đám mây, nền tảng riêng cho đến trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khi đó, Singapore - trung tâm dữ liệu hàng đầu khu vực - đang đối mặt với các vấn đề như quỹ đất và nguồn năng lượng hạn chế, hiệu ứng lan tỏa chuyển hướng dòng vốn đầu tư (Malaysia đã thu hút hơn 40 tỷ USD đầu tư trung tâm dữ liệu trong 3 năm qua).
Thứ hai, chúng tôi nhận định, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này khi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây quy mô siêu lớn (hyperscaler) tìm cách thiết lập cơ sở mới trong khu vực. Việt Nam hấp dẫn bởi quy mô dân số lớn, nền kinh tế số bùng nổ, dân số trẻ, am hiểu công nghệ và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ đối với ngành công nghệ. Tuy vậy, vẫn tồn tại những thách thức đáng kể như quy định pháp lý, nguồn cung năng lượng và năng lượng tái tạo, nguồn nước, sự kết nối giữa các nhà mạng, cáp quang biển và quy hoạch quỹ đất quy mô lớn dành riêng cho trung tâm dữ liệu.
Thứ ba, hầu hết trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hiện nay được xây dựng trên diện tích đất nhỏ, thiếu hạ tầng thiết yếu như điện, nước và kết nối trung lập với nhiều nhà mạng. Trong khi đó, xu hướng nói chung đang chuyển sang phát triển khu phức hợp trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn, cho phép khách hàng bắt đầu ở quy mô nhỏ và mở rộng dễ dàng mà không phải xây dựng hạ tầng từ đầu.
Việc hợp tác với VSIP giúp chúng tôi giải quyết hai yếu tố then chốt: quy hoạch 50 ha đất dành riêng cho phát triển trung tâm dữ liệu, giúp khách hàng mở rộng hiệu quả; xây dựng nền tảng hạ tầng mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng.
Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ đóng vai trò gì trong hạ tầng số tại Việt Nam?
Sự gia tăng nhu cầu, được thúc đẩy bởi sự lan tỏa của Singapore như đã nói ở trên, đặt ra câu hỏi quan trọng: quốc gia nào sẵn sàng đón nhận cơ hội này? Câu trả lời rất rõ ràng: thời điểm là tất cả và thời điểm hành động là ngay bây giờ, không thể trì hoãn.
Chúng tôi xây dựng Katalyst DigitalHub với định hướng thúc đẩy hạ tầng số của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vượt bậc hiện nay. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 12% năm 2020 lên 19% vào năm 2024. Katalyst cam kết thúc đẩy đà tăng trưởng này.
Chúng tôi đang phát triển các dịch vụ điện toán đám mây kết hợp cùng các hyperscaler, mở rộng hoạt động trung tâm dữ liệu và hợp tác với các nhà khai thác quốc tế nhằm củng cố năng lực trong nước.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-mo-rong-co-hoi-dau-tu-trung-tam-du-lieu-d288697.html