Việt Nam mong muốn các quốc gia miễn trừ bản quyền đối với vắc xin Covid-19
Đây là thông tin do Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ chiều 13-5.
Ảnh minh họa.
Bình luận về quyết định ủng hộ miễn trừ bản quyền đối với vắc xin ngừa Covid-19 của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền đối với vắc xin Covid-19 để các loại vắc xin có thể sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới”.
Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh, Việt Nam đã rất nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước. Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn cung cấp vắc xin, và đã có cam kết cung ứng từ cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX) và từ nhà sản xuất, cung cấp vắc xin AstraZeneca.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên. Ngoài nguồn cung cấp vắc xin nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vắc xin ở trong nước. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến có thể được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn vắc xin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và chủ động ứng phó khi có các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
Trước đó, ngày 6-5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vắc xin Covid-19 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối trên khắp thế giới. Tuy việc từ bỏ sẽ không diễn ra ngay lập tức do phải có đồng thuận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng quyết định của Washington được đánh giá sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình đạt được quyết định này.