Việt Nam - Mỹ đẩy mạnh cơ hội hợp tác trong lĩnh vực LNG

Sáng 12/11, tại TP HCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế về năng lượng và khí hóa lỏng Mỹ-Việt Nam do Tập đoàn Globalinx (Mỹ) phối hợp Công ty YCT Việt Nam tổ chức.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Toàn cảnh buổi hội thảo

Với sự tham dự của đại diện Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, Bộ Công Thương, các công ty về năng lượng, dầu khí trong nước như PV GAS, PTSC, PV Power, PVCFC, EVN, Petrolimex... hội thảo được kỳ vọng sẽ mở cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khí thiên nhiên hóa lỏng, nhằm phát triển hiệu quả hạ tầng LNG, thúc đẩy thị trường đầu ra cho LNG trong thời gian tới giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.

Thông tin đến các đại biểu tham dự hội thảo, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Hiện cả nước có khoảng 7.200 MW điện khí, cung ứng 45 tỉ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm 15,6% tổng công suất các nguồn điện, tương ứng sản xuất 19% tổng sản lượng điện. Con số này sẽ tăng lên 19.000 MW vào năm 2030, tương đương cần 22 tỉ m3 khí, trong đó 50% từ nguồn nhập khẩu khí LNG.

Ông Phùng Văn Sỹ - Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương), phát biểu tại hội thảo

Ông Phùng Văn Sỹ - Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương), phát biểu tại hội thảo

Năm 2019, khả năng cấp khí cho sản xuất điện ở mức 8 tỉ m3. Thế nhưng, hiện nay khả năng cấp khí sẽ chỉ duy trì được đến năm 2022 và từ năm 2023 sản lượng khí cấp về bờ sẽ suy giảm và bắt đầu thiếu hụt. Vì vậy, giai đoạn sau năm 2020 nguồn khí trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt và hỗ trợ cho các nhà máy điện khí. Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến năm 2035, Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỉ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và từ năm 2026 sẽ tăng lên 6-10 tỉ m3/năm. Vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác giữa các công ty chuyên về lĩnh vực LNG trong và ngoài nước là rất cần thiết.

Đại diện Tập đoàn Fluor (Mỹ) trình bày về tiềm năng khai thác thị trường khí thiên nhiên

Đại diện Tập đoàn Fluor (Mỹ) trình bày về tiềm năng khai thác thị trường khí thiên nhiên

Tại hội thảo, các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ về lĩnh vực năng lượng và LNG như Fluor Corporation, Braemar WaveSpec, Emerson cũng đã chia sẻ thông tin về những giải pháp, công nghệ tiên tiến cho ngành LNG. Với kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển các dự án, thiết kế nhà ga nhập khẩu LNG, mô hình kinh doanh và vận hành thiết bị đầu cuối nhập khẩu LNG, công nghệ và điều khiển thiết bị đầu cuối LNG, các phương án tài chính khả thi cho dự án LNG và quản lý năng lượng…, các doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp trong nước, đầu tư và phát triển chuỗi cung ứng khí thiên nhiên, cung cấp trang thiết bị, công nghệ tiên tiến cho ngành LNG của Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã khởi công xây dựng kho chứa 1 triệu tấn khí LNG Thị Vải - công trình đầu tiên về LNG tại Việt Nam. Kho cảng LNG Thị Vải có công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành năm 2022, có khả năng tiếp nhận được tàu vận chuyển LNG trọng tải lên đến 85.000 tấn.

PVN, PV GAS cùng với các đơn vị thành viên PVN đã và đang tích cực triển khai chuỗi các dự án khí - điện sử dụng khí LNG nhập khẩu theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-my-day-manh-co-hoi-hop-tac-trong-linh-vuc-lng-555379.html