Việt Nam – Myanmar: Quan hệ đối tác toàn diện ngày càng sâu sắc và bền chặt

Thời gian qua, quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar luôn phát triển mạnh mẽ nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 16-18/12 một lần nữa khẳng định Việt Nam coi trọng mối quan hệ hợp tác này.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar đang trên đà phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực thương mại và đầu tư khởi sắc, trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar. Thương mại hai chiều Việt Nam-Myanmar vẫn tăng trưởng, năm 2018 đạt khoảng 860 triệu USD, tăng 3,8% so với năm 2017. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng của năm 2019 đạt 790 triệu USD , tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường Myanmar tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…

Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao trước đó, lãnh đạo hai nước cũng cam kết điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư, đảm bảo môi trường an toàn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời tăng mạnh đầu tư hai chiều.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Myanmar

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Myanmar

Việt Nam tiếp tục ổn định ở vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỷ USD. Nổi bật nhất vẫn là dự án đầu tư của Viettel trong lĩnh vực viễn thông tại Myanmar, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam khác tăng cường đầu tư vào Myanmar.

Được biết, trong những năm gần đây, mặc dù vẫn còn những rào cản về cơ sở hạ tầng, ngôn ngữ, trình độ lao động, thị trường Myanmar vẫn ngày càng trở nên đặc biệt hấp dẫn, thu hút đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tới làm ăn, kinh doanh. Đó là nhờ vào việc Myanmar đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách, mở cửa liên quan đến thương mại và đầu tư, hướng tới việc phát triển một nền kinh tế bền vững. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 200 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức như văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhận định đầu tư, kinh doanh tại Myanmar đang có những thuận lợi vì sản xuất của nước này còn yếu và thiếu, nhiều lĩnh vực hàng hóa còn nhiều dư địa phát triển, chưa có rào cản kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu.

Một trong những điểm thuận lợi khi xúc tiến đầu tư kinh doanh tại thị trường Myanmar là hai nước cùng là thành viên của ASEAN, sản phẩm nhập khẩu ưu đãi về thuế trong nội khối và với các đối tác ASEAN, có những nét tương đồng về văn hóa và quá trình, điều kiện để phát triển đất nước.

Đặc biệt, những thương hiệu Việt Nam đi tiên phong tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Myanmar như Lioa, Hanvico, Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Vietnam Airlines… góp phần tạo nên tâm lý ưa chuộng, có thiện cảm với sản phẩm Việt Nam.

Năm 2011, Việt Nam và Myanmar đã mở đường bay thẳng tạo điều kiện cho việc phát triển ngành du lịch hai nước; thường xuyên tham dự hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại mỗi nước, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác du lịch chung. Hai nước vẫn đang tích cực thúc đẩy phát triển các tuyến đường thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây, các dự án kết nối đường bộ cũng như vận tải biển ven bờ nhằm phục vụ cho hợp tác giao thương, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước trong khu vực.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu, một số văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước sẽ được ký kết, nhằm đưa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện ngày càng sâu sắc, bền chặt.

Ngọc Hân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-myanmar-quan-he-doi-tac-toan-dien-ngay-cang-sau-sac-va-ben-chat-129939.html