Việt Nam nằm trong Top đầu thế giới về tăng trưởng tài sản trong thập kỷ tới
Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản vượt bậc trong thập kỷ tới khi đất nước củng cố vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu. Giới chuyên gia quốc tế đánh giá cao sức bật của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh năm 2024 tiếp tục được dự báo là một năm khó khăn đối với thương mại toàn cầu.
Phân tích của Công ty nghiên cứu tài sản toàn cầu New World Wealth dự báo, Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản lên tới 125% trong 10 năm tới. Đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú. Theo Nhà phân tích Andrew Amoils, Việt Nam là cơ sở sản xuất ngày càng phổ biến của các công ty công nghệ, ô tô, điện tử và dệt may đa quốc gia. Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027, đứng ở vị trị thứ 2 với mức tăng trưởng tài sản dự kiến là 110%.
Nhà phân tích Andrew Amoils cho biết thêm, với 19.400 triệu phú và 58 tỷ phú, Việt Nam được coi là quốc gia tương đối an toàn so với các nước khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Điều này củng cố thêm lựa chọn của các công ty coi Việt Nam như điểm đến hàng đầu.
Lý giải cho thành công của Việt Nam, Công ty nghiên cứu chiến lược McKinsey cho rằng, vị trí chiến lược của đất nước có chung đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc và gần các tuyến thương mại hàng hải lớn, chi phí lao động thấp, cùng cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu của quốc gia đã đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành “một điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế.
Trong đánh giá định kỳ mới đây về kinh tế Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, Việt Nam đã chứng kiến 3 thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 7% và nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, đất nước đã định vị thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam Herve Conan đánh giá rất tích cực về nền kinh tế Việt Nam: “Đất nước các bạn đã thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng bất chấp tình trạng lạm phát cao đang gây ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong đánh giá định kỳ nền kinh tế vĩ mô 3 năm một lần được tiến hành từ đầu năm 2023, Cơ quan Phát triển Pháp ghi nhận những thành công đáng khích lệ của Việt Nam trong việc duy trì ổn định chính trị - xã hội, triển khai chính sách kinh tế thận trọng nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Quy mô thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng là lợi thế quan trọng. Sự năng động của sản xuất kinh tế quốc gia vẫn được duy trì bất chấp những năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”.
Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người Việt Nam là khoảng 2.190 USD và hiện đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi.
Chuyên gia kinh tế, đồng thời là phó Chủ tịch Maybank Brian Lee cho rằng, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm trọng tâm. Đất nước đã chứng kiến 3 làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 3 thập kỷ qua và đang đứng trước làn sóng thứ 4. Dù vẫn còn một số trở ngại, song các chuyên gia đều tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức có thể nảy sinh trong tương lai và tiếp tục con đường tăng trưởng hiện tại.