Việt Nam nêu thông điệp mạnh mẽ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 đề xuất quan trọng về môi trường, khí hậu và y tế tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng
Ngày 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 và hoạt động song phương tại Brazil.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tăng cường hợp tác đa phương cũng như khẳng định vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu.
Thủ tướng đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng, thiết thực, phù hợp với quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực chống chịu dịch bệnh cũng như các đề xuất phù hợp với mối quan tâm toàn cầu như cải cách thể chế tài chính quốc tế; thúc đẩy liên kết kinh tế Nam - Nam; ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển bền vững; đảm bảo tiếp cận công bằng các nguồn lực tài chính, công nghệ và y tế cho các nước đang phát triển.
"Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao những đề xuất của Việt Nam cũng như đề cao sự chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp vào đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại nhằm xử lý các thách thức của cộng đồng quốc tế" - bà Nguyễn Minh Hằng cho biết.
Tại phiên họp cấp cao khép lại hội nghị ngày 7-7 với chủ đề "Môi trường, COP30 và Y tế toàn cầu", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh các thể chế đa phương chưa đủ gắn kết và hợp tác đủ mạnh để cùng vượt qua khủng hoảng. Do đó, cần thay đổi tư duy, đổi mới nhận thức và khẩn trương hành động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 tại Brazil Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu bật 5 đề xuất quan trọng: Hình thành nhận thức và cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong bảo vệ môi trường và sức khỏe; bảo đảm nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng khác biệt, kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết về tài chính, công nghệ, đào tạo.
Huy động nguồn lực bền vững cho mục tiêu khí hậu, y tế; nhấn mạnh vai trò tài chính khí hậu, ủng hộ ưu tiên của COP30 (Hội nghị lần thứ 30 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và sự tham gia của khu vực tư nhân. Phát huy vai trò khoa học, công nghệ số, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác phát triển công nghệ xanh và chia sẻ tri thức.
Thúc đẩy cải cách thể chế quản trị toàn cầu, đề cao vai trò Liên hợp quốc và hợp tác đa phương để bảo đảm thực thi các cam kết khí hậu, y tế minh bạch, hiệu quả. Thủ tướng khẳng định quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời đóng góp tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác toàn cầu về môi trường, khí hậu và y tế.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh sự cần thiết của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và có kế hoạch, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới mục tiêu "không phá rừng".
Các nhà lãnh đạo cảnh báo nguy cơ chậm trễ, thậm chí là đảo ngược tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc; kêu gọi hợp tác toàn cầu để ứng phó khủng hoảng khí hậu, tăng cường quản trị y tế toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững; chia sẻ nhiều giải pháp nhằm thu hẹp bất bình đẳng.
Cùng ngày 7-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc tiếp xúc, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Tổng thống Chile Gabriel Boric Font, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Maxim Ryzhenkov và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Ahmed Ali Bin Al Sayegh…
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng đã phản ánh quan tâm chung của các nước đang phát triển trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, xây dựng nền quản trị toàn cầu. Việt Nam làm nổi bật hình ảnh năng động, nhất quán trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên toàn cầu.
Chuyến công tác của Thủ tướng làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị và các mặt hợp tác giữa Việt Nam - Brazil, nổi bật là hợp tác nông nghiệp. Trong khuôn khổ chuyến công tác, nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác được hai bên thống nhất và ký kết. Đáng chú ý là các bản ghi nhớ về hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giữa đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu hai nước với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/viet-nam-neu-thong-diep-manh-me-196250708211036761.htm