Việt Nam - Nga viết tiếp chương mới về hợp tác trong kỷ nguyên vươn mình

Bước vào kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam và Nga nhận thấy còn nhiều dư địa hợp tác; từ đó viết tiếp chương mới rực rỡ hơn, thành công hơn trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Phát huy hiệu quả phương hướng đối ngoại được nêu trong văn kiện Đại Hội XIII của Đảng: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”, tính tới tháng 12/12024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, trong đó có Nga.

Việt Nam và Nga chính thức xác lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950; sau đó nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Đến tháng 1/2025, Việt Nam và Nga sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tại buổi bình minh trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều thành tựu chính trị - kinh tế - văn hóa rực rỡ, tạo tiền đề vững chắc cho sự hợp tác phát triển sâu rộng trong năm kỷ niệm 2025.

Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam

Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam

Điểm nhấn quan trọng về ngoại giao

Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhận định, Việt Nam là bạn, là đối tác hữu nghị truyền thống và đáng tin cậy của Nga. Quan hệ song phương giữa hai nước đã được vun đắp trong thời kỳ khó khăn của cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam, đã đứng vững trước thử thách của thời gian và tiếp tục phát triển thành công trên nhiều lĩnh vực.

Điểm nhấn quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Nga xuyên suốt năm 2024 là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thủ đô Hà Nội hồi tháng 6. Bên lề chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã ký tổng cộng 15 văn kiện nhằm thúc đầy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và vǎn hóa.

Bên cạnh đó, chuyến thăm cấp cao tới Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vào tháng 9, sự góp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các Hội nghị BRICS/BRICS+ tại Kazan (Nga) hồi tháng 10 cùng nhiều cuộc gặp khác giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước cũng góp phần củng cố mối quan hệ song phương bền chặt.

Đại sứ Gennady Bezdetko cũng cho biết hai nước đang lên kế hoạch tổ chức kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nga với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam trong tháng 1/2025.

“Thông qua những hoạt động kỷ niệm này, tôi hy vọng hai nước sẽ có thêm cơ hội, trao đổi, thảo luận nhiều hơn về các lĩnh vực hợp tác, đồng thời triển khai các dự án mới rên cơ sở các thỏa thuận ở cấp cao và cấp cao nhất. Từ đó, tiếp tục đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga đi vào chiều sâu với nhiều thành quả tốt đẹp”, ông Bezdetko nhấn mạnh.

Thành tựu rực rỡ về kinh tế

Về mặt kinh tế, Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Viacheslav Kharinov nhận định, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga trong năm 2024 đã ghi dấu ấn tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp sản xuất ô tô, logistic, khai thác than đá, xuất nhập khẩu các mặt hàng gia dụng và linh kiện điện tử,..

Liên doanh công nghiệp Vietsovpetro vừa cán mốc sản xuất 250 triệu tấn dầu trong năm 2024, tiếp tục là lá cờ đầu về hợp tác song phương trên lĩnh vực dầu khí. Doanh nghiệp lắp ráp xe “GAZ” Nga tại Đà Nẵng cũng cho thấy những kết quả hoạt động khả quan, trong khi hai hãng hàng không Aeroflot và Iraero đã nối lại một phần đường bay thẳng, mở ra triển vọng nâng số lượng du khách từ Nga sang Việt Nam lên mức 650.000 người/năm trong thời gian tới.

Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam, trong đó có 16 hiệp định về đơn giản hóa thủ tục hải quan đã khơi thông dòng chảy thương mại giữa hai nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến tháng 11/2024, kim ngạch thương mại song phương đã đạt được 4,15 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 2,03 tỷ USD, nhập khẩu là 2,12 tỷ USD, cho thấy cán cân thương mại khá cân bằng.

Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Viacheslav Kharinov. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam

Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Viacheslav Kharinov. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam

"Trước tình hình thế giới biến động với nhiều diễn biến phức tạp, mối quan hệ song phương vững chắc và sự tin cậy về chính trị ở cấp cao nhất đang góp phần phát triển mạnh mẽ hợp tác kinh doanh cùng có lợi giữa hai nước", ông Kharinov nhấn mạnh.

Theo Đại diện thương mại Nga ở Việt Nam, trong thời gian tới, Nga dự kiến sẽ mở rộng các hành lang vận tải, hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp, các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại ở nước ngoài, phát triển thị trường logistic, trong đó có Việt Nam. Ông Kharinov cũng nhắc tới dự án khu công nghiệp Việt - Nga nằm trong Trung tâm logistic lớn nhất ở miền bắc Việt Nam là cảng Hải Phòng, như một minh chứng tốt đẹp cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2036 theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, ông Kharinov khẳng định, Nga sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam, tiếp tục nối dài các thành tựu hiện có và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trên các lĩnh vực y tế, dược phẩm, cũng như công nghệ thông tin.

Giao lưu sâu rộng về văn hóa

Đánh giá về thành tựu hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Nga trong năm 2024, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội - ông Vladimir Murashkin cho biết, hai nước đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nhân những dịp kỷ niệm quan trọng như Ngày Chiến thắng phát xít 9/5, Ngày Giải phóng miền Nam-Thống nhất đất nước 30/4, và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nổi bật và ý nghĩa nhất là các buổi hòa nhạc của Dàn hợp xướng Turetsky cũng như những đêm nhạc sáng tạo của nhiều nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và giảng viên Nhạc viện Moscow Boris Shcherbakov,...

Cũng trong năm 2024, Nga đã tổ chức thành công kỳ Olympic tiếng Nga thường niên lần thứ 17 dành cho học sinh và lần thứ 21 dành cho sinh viên. "Ngôi nhà Nga" tại Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của hơn 5.000 người có đam mê học ngôn ngữ và khám phá văn hóa Nga, được giảng dạy bởi khoảng 200 chuyên gia Việt Nam và nước ngoài. Chuỗi dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại giữa các nền văn hóa” được tổ chức thành công tại nhiều điểm trường phổ thổng, đại học ở các thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của hơn 1.000 học viên và giảng viên.

Ông Vladimir Murashkin - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam

Ông Vladimir Murashkin - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam

Nhìn lại kết quả phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga suốt thời gian qua, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko cho rằng, Việt Nam và Nga còn nhiều triển vọng và dư địa hợp tác trong tương lai, không chỉ trên về mặt văn hóa. Hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ song phương vào năm tới, ông Bezdetko khẳng định, Nga luôn sẵn sàng mở rộng hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đồng thời bày tỏ hy vọng vào một chương mới rực rỡ với nhiều thành tựu hợp tác quan trọng, đặc biệt ở khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Diệp Thảo/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/ky-nguyen-vuon-minh/viet-nam-nga-viet-tiep-chuong-moi-ve-hop-tac-trong-ky-nguyen-vuon-minh-post1145326.vov