Việt Nam nguy cơ trở thành thị trường siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

Theo các hiệp hội thuộc ngành chăn nuôi, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay thì chỉ 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Mới đây, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đã cùng nhau ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị về những bất cập, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Theo các hội và hiệp hội, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam đang là vấn đề hệ trọng, gây ra nhiều rủi ro, hệ lụy, lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò.

Đại diện 4 hội, hiệp hội chăn nuôi khẳng định, các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đang gây ra áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Cũng theo đại diện các hội, hiệp hội, sản phẩm chăn nuôi được nhập khẩu ồ ạt đang làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.

Theo đại diện các hội và hiệp hội, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được.

Do đó, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.

Trong đó có vấn đề tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam.

Như kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... họ đưa ra các yêu cầu về xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao hay mỗi nước trung bình chỉ cho phép có từ 3-5 cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không là được phép nhập khẩu vật nuôi sống.

Đối với vấn đề nhập lậu, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này vì sản phẩm chăn nuôi trong nước chúng ta đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Đức Mạnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/viet-nam-nguy-co-tro-thanh-thi-truong-sieu-nhap-khau-san-pham-chan-nuoi-post112602.html