Việt Nam nhân bản thành công giống lợn đã tuyệt chủng từ năm 1990

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 chú lợn ỉ vừa được Viện Chăn nuôi nhân bản thành công bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma mô tai.

Được biết, tại Việt Nam, giống lợn ỉ gần như bị tuyệt chủng. Trong tập bản đồ các giống vật nuôi ở Việt Nam do Bộ NNPTNT phát hành từ những năm 1990, lợn ỉ được xếp vào loài đã bị tuyệt chủng.

Theo các chuyên gia, đây là một bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế nền khoa học công nghệ của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; là tiền đề mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ sinh học trong Chăn nuôi tại Việt Nam như: Ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm.

Giống lợn ỉ được nhân bản thành công. Ảnh: V.Giang

Trao đổi với PV về vấn đề nhân bản này, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Kết quả cho thấy chúng ta đã chọn đúng và trúng đối tượng vật nuôi vì con lợn chiếm từ 65% đến 70 % trong “rổ thực phẩm”. Đây cũng là hướng chiến lược của ngành chăn nuôi sắp tới hướng đến từng bước phục hồi những vật nuôi đặc hữu của Việt Nam để trở thành sản phẩm đặc sản thực phẩm không chỉ cung ứng nhu cầu trong nước mà còn cho thế giới”.

Nhân bản hay nhân bản vô tính ở động vật là các cá thể có thể được tạo ra từ 1 tế bào lấy từ nguyên bản gốc mà không phụ thuộc vào quá trình thụ tinh. Hiện nay có 2 công nghệ nhân bản động vật được ứng dụng là nhân bản động vật bằng chia tách phôi, cấy chuyển nhân từ các tế bào phôi, bào thai… và nhân bản động vật có vú bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma. Trên thế giới, nhân bản động vật bằng cấy chuyển nhân tế bào soma ở động vật có vú thành công lần đầu tiên năm 1996 tạo ra chú cừu Dolly.

Với thành tựu vừa đạt được, thời gian tới, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy trình để đảm bảo sự chắc chắn và củng cố thành quả đạt được, từ đó đẩy mạnh áp dụng phương pháp này để giữ gìn, bảo tồn những giống vật nuôi bản địa đặc hữu trong định hướng phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản phục vụ chiến lược Chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-nhan-ban-thanh-cong-giong-lon-da-tuyet-chung-tu-nam-1990-post123436.html