Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép trong nửa đầu năm 2024

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) trong nửa đầu năm 2024, bằng 173% so với sản xuất trong nước.

Trong tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng, chiếm 151% lượng thép sản xuất trong nước. Đáng chú ý, thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn, lên tới 77%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng HRC nhập khẩu đạt gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, và tương đương 173% sản lượng trong nước. Trong số này, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, phần còn lại đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác. Tổng giá trị nhập khẩu HRC trong 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.

Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) trong nửa đầu năm 2024

Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) trong nửa đầu năm 2024

Cũng với mặt hàng HRC, giá nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc luôn thấp hơn giá bình quân so với các thị trường khác từ 45 - 108 USD/tấn. Cụ thể, trong tháng 6, giá nhập khẩu bình quân HRC từ Trung Quốc là 560 USD/tấn, thấp hơn đến 123 USD/tấn so với giá HRC nhập từ Hàn Quốc.

Trong khi đó Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất HRC trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào nội địa, khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp nội bị ảnh hưởng.

Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.

Hiện, Bộ Công Thương đang thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (14/6/2024).

Các doanh nghiệp thép trong nước hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Giá nguyên liệu tăng cao, đặc biệt là quặng sắt và than cốc, đã đẩy chi phí sản xuất lên cao và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Đồng thời, thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác với giá thành thấp hơn gây ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Năng lực sản xuất dư thừa do các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng, dẫn đến giá thép trong nước không thể tăng, làm giảm lợi nhuận. Biến động tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm, làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách và quy định không ổn định cũng tạo ra sự khó khăn trong kế hoạch kinh doanh dài hạn.

Trước những khó khăn này, Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề xuất Chính phủ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất thép chưa sản xuất được trong nước và giảm các loại thuế, phí liên quan đến sản xuất để giảm bớt gánh nặng chi phí. Việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đàm phán với nhà cung cấp quốc tế cũng được Hiệp hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và các tổ chức tài chính cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để giúp các doanh nghiệp thép duy trì và phát triển sản xuất trong bối cảnh khó khăn. Việc triển khai các biện pháp này có thể giúp các doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và tạo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Nhật Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-nhap-khau-gan-6-trieu-tan-thep-trong-nua-dau-nam-2024-312180.html