Việt Nam nhập khẩu than từ Malaysia năm 2024 tăng gấp 114 lần

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận nhập khẩu than đạt mức cao kỷ lục hơn 10 năm, cùng với kết quả này lượng nhập khẩu than từ một số thị trường chính cũng tăng vượt trội, đặc biệt nhập từ Malaysia cao gấp 114 lần so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/12/2024, Việt Nam đã chi 7,29 tỷ USD để nhập khẩu 60,6 triệu tấn than từ thế giới – mức cao nhất các năm giai đoạn 2013 - 2023.

Trong kỳ, mặc dù lượng nhập khẩu than tăng 24% so với cùng kỳ năm trước (YoY) nhưng do giá nhập trung bình giảm 14,1% YoY (còn 120,1 USD/tấn) nên kim ngạch chỉ tăng một con số với +6,5% YoY.

Cùng đà giảm giá chung, giá nhập khẩu than trung bình từ các thị trường chính của Việt Nam đều giảm (ngoại trừ Trung Quốc) trong 11 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, giá than bình quân nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 287,5 USD/tấn – mức giá cao nhất trong số các thị trường chính.

Ngược lại, giá than nhập từ Malaysia giảm sâu 75% so với cùng kỳ năm trước, còn 86,9 USD/tấn. Than nhập khẩu từ Nhật Bản cũng giảm 21% YoY, còn 285,9 USD/tấn; từ Australia giảm 7,5% YoY, đạt 153,6 USD/tấn; từ Nga giảm 10,7% YoY, đạt 171,9 USD/tấn.

Tại thị trường Indonesia và Lào, giá than nhập khẩu trung bình giảm lần lượt 15,7% YoY và 6,8% YoY, đạt 91,8 USD/tấn và 66,5 USD/tấn.

Trong kỳ, lượng nhập khẩu than từ các thị trường cũng ghi nhận tăng trưởng trái chiều. Trong đó, lượng nhập khẩu than từ Malaysia tăng từ 554 tấn tại kỳ năm 2023 lên 63.513 tấn tại kỳ này, tương ứng cao gấp 114 lần.

Lượng nhập khẩu than từ Indonesia cũng tăng 42% YoY, đạt 24,5 triệu tấn – là thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024. Than nhập khẩu từ Lào lại giảm 12,1% YoY, còn 1,81 triệu tấn; từ Australia giảm 12,7% YoY, còn 15,8 triệu tấn.

Lượng than nhập khẩu từ Nhật Bản ghi nhận giảm sâu 93% so với cùng kỳ năm trước, còn 13.254 tấn; từ Nga tăng 19,8% YoY, lên 4,89 triệu tấn.

Về kim ngạch, Việt Nam chi 2,43 tỷ USD để nhập khẩu than từ Australia trong 11 tháng đầu năm 2024, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập khẩu than từ Indonesia với giá trị 2,25 tỷ USD, tăng 19,4%YoY; từ Nga với 842 triệu USD, tăng 7% YoY; từ Lào với 120 triệu USD.

Việt Nam chi 103 triệu USD để nhập khẩu than từ Trung Quốc với +10,8% so với cùng kỳ; chi 5,5 triệu USD để nhập khẩu than từ Malaysia, cao gấp 28 lần so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/12, Việt Nam xuất khẩu 636.008 tấn than với kim ngạch 153,5 triệu USD, giảm 17,5% về lượng và giảm 35,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới ban hành nêu rõ, Việt Nam định hướng xuất nhập khẩu than phù hợp với nhu cầu thị trường và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, trong đó có xem xét đến việc dự trữ than.

Việt Nam sẽ hình thành thị trường than với nhiều người bán và người mua, đa dạng hóa nguồn than (than sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu...) và đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong giai đoạn đến năm 2030; phấn đấu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than sau năm 2030.

Cũng tại Chiến lược này, Việt Nam đề ra mục tiêu phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45 – 50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031 – 2045 với đạt khoảng 38 – 40 triệu tấn vào năm 2045.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-nhap-khau-than-tu-malaysia-nam-2024-tang-gap-114-lan-37127.html