Việt Nam nhất quán phát triển du lịch xanh, bền vững

Bằng những chiến lược, chính sách được nêu trong các đề án, chiến lược phát triển du lịch quốc gia và hành động nhất quán trên thực tế, Việt Nam đã khẳng định với cộng đồng quốc tế về mục tiêu và cam kết phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.

Những sản phẩm du lịch xanh của Việt Nam ngày càng thu hút du khách quốc tế

Những sản phẩm du lịch xanh của Việt Nam ngày càng thu hút du khách quốc tế

Việt Nam thuận lợi phát triển du lịch xanh

Ngày Du lịch thế giới (27-9) diễn ra hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của du lịch trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị. Năm 2023, chủ đề của Ngày Du lịch thế giới là “Du lịch và đầu tư xanh” nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch để hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những đất nước được thiên nhiên ban tặng những lợi thế về danh lam, thắng cảnh. Năm 2019 - thời điểm đỉnh cao trước đại dịch Covid-19, tổng lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu đạt gần 1,5 tỷ lượt. Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,9 nghìn tỷ USD; du lịch tạo ra 1/10 việc làm trên toàn cầu. Do đó, du lịch luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi sau đại dịch Covid-19 hiện nay, chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh” của Ngày Du lịch thế giới năm nay đã góp phần kêu gọi tăng cường đầu tư cho du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình mới. Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili cho rằng, cần suy nghĩ lại về cách thức đầu tư cho du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút đầu tư vào những dự án du lịch giàu tiềm năng tạo ra sự khác biệt. Theo đó, cộng đồng quốc tế cần chung tay giải quyết một số thách thức về biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển bền vững hơn. Đó là đi theo lộ trình giảm phát thải ròng bằng 0, giảm mức tiêu thụ năng lượng và tận dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở tất cả các điểm đến.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới 2023 cũng chính là dịp để Việt Nam khẳng định với cộng đồng quốc tế về mục tiêu và cam kết phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững như đã được nêu trong các đề án, chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, với 125 bãi tắm biển, trong đó hầu hết là các bãi tắm đẹp và thuận lợi cho khai thác du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam có 8 di sản vật thể và danh thắng được công nhận Di sản thế giới. Ngoài ra, nước ta còn có cả kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với 191 di sản thuộc cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên mọi miền đất nước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có thể thấy, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Đó là những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh ở nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính vì thế, phát triển du lịch xanh là rất cần thiết nhằm góp phần phát triển một ngành kinh tế xanh, bền vững.

Nhận thức rõ được tiềm năng và vai trò của du lịch xanh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 năm 2017, khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: “Phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo tồn, phát huy tối ưu các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”.

Du lịch xanh hấp dẫn du khách

Từ chiến lược, chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, việc phát triển du lịch xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Điều quan trọng, chiến lược và chính sách đó đã biến thành hành động trên thực tế nhằm chung tay bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, giảm thiểu rác thải trong đó có rác thải nhựa ở các điểm đến để phát triển du lịch xanh, bền vững.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã đưa ra những tiêu chí để các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh và trách nhiệm với xã hội, môi trường và cả cộng đồng người dân bản địa. Các sản phẩm du lịch khi đạt được các tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường, xã hội sẽ ngày càng được chào đón, thu hút sự quan tâm và hấp dẫn du khách đến, thậm chí là quay lại điểm đến ngày càng nhiều hơn. Nhiều địa phương đã tiên phong trong phát triển du lịch xanh. Trong đó, các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam bộ phát triển du lịch miệt vườn...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch làm sạch môi trường như tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng)...

Hội An (tỉnh Quảng Nam) - điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế - có lượng rác thải mỗi ngày gần 100 tấn, trong đó rác thải nhựa dùng một lần chiếm 15 - 23%.

Hội An vào tháng 9 vừa qua đã ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” và du khách không còn đồ nhựa dùng một lần, phấn đấu mỗi năm giảm từ 13 - 15% để đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần. Đây là hành động thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng du lịch cả nước về phát triển du lịch xanh bền vững. Huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) từ tháng 9-2023 cũng bắt đầu thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch.

Tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các cơ sở lưu trú cũng tích cực dùng dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần... Côn Đảo hướng tới năm 2025 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) cùng với việc phát động nhiều chiến dịch giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, đã hình thành nhiều mô hình du lịch xanh...

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang thực hiện dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” giai đoạn 2023 - 2024. Chương trình với nhiều hoạt động thiết thực sẽ thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch. Hiệp hội mong muốn thông qua dự án sẽ góp phần thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; bảo vệ môi trường xanh bền vững, góp phần vào việc phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-nhat-quan-phat-trien-du-lich-xanh-ben-vung-post553407.antd