Việt Nam nhất quán thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách hòa bình
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Các cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân cùng các nhà báo, phóng viên trên tàu Trường Sa 19 vẫy chào cán bộ chiến sĩ trên Nhà giàn Dk1/15 (Phúc Nguyên). (Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN)
Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo Điều 56 của UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển, trong các quyền, có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
Bởi vậy, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam và nếu không được phép của Việt Nam đều là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Chiểu theo các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, không quốc gia nào có quyền trịch thượng “yêu cầu” Việt Nam ngừng công việc thăm dò các mỏ dầu ở khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việc cố tình quy kết Việt Nam tiến hành các hoạt động khoan thăm dò dầu khí “một cách đơn phương” tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn vô lý.
Phát ngôn này phải chăng là nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp, để rồi áp đặt cách hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc kẻ mạnh," thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Bãi Tư Chính có vị trí cận kề với đường hàng hải quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế và công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam. Các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam sẽ hoàn toàn bình thường, ổn định, nếu không bị các hành vi xâm phạm, bất chấp luật pháp quốc tế, gây phức tạp tình hình.
Từng trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam luôn coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, luôn thiện chí và sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ quốc tế bằng các giải pháp chính trị.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Trên cơ sở đó, Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trước việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.”
Đồng thời, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rõ: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.”
Việc duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông (trong đó có khu vực bãi Tư Chính) trên cơ sở luật pháp quốc tế đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Bởi vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng động quốc tế và mong muốn các quốc gia khác thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.