Việt Nam nỗ lực để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Nếu không gỡ được 'thẻ vàng' IUU, hoạt động xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ bị đình trệ. Để khắc phục được những vấn đề mà Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị, bên cạnh nỗ lực của Bộ NN&PTNT, rất cần sự vào cuộc của các địa phương.

bản khắc phục hai vấn đề lớn

Trong đợt thanh tra thực tế lần thứ tư hồi tháng 10/2023, Đoàn thanh tra của EC đã làm việc tại hai tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định. Đoàn tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng, cũng như những chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương đến các bộ ngành, địa phương của Việt Nam.

Đồng tình với Việt Nam rằng, việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có sự chuyển biến tích cực, Đoàn thanh tra của EC cũng chỉ ra một số vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm khắc phục. Trong đó nổi cộm là: quản lý, giám sát đội tàu và truy xuất nguồn gốc.

Đoàn thanh tra của EC sắp sang Việt Nam lần thứ năm để xem xét tháo gỡ "thẻ vàng" IUU.

Đoàn thanh tra của EC sắp sang Việt Nam lần thứ năm để xem xét tháo gỡ "thẻ vàng" IUU.

Liên quan đến vấn đề quản lý và giám sát đội tàu, Bộ NN&PTNT cho biết đang tích cực sửa Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để giải quyết số lượng tàu 3 “không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) vào khoảng 16.000 chiếc, bảo đảm được cấp phép, đăng kiểm theo đúng quy định.

Hơn nữa, khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được triển khai, sẽ có thêm công cụ để xử lý vi phạm, có phần mềm để kết nối tất cả các thiết bị hành trình, qua đó quản lý và giám sát hiệu quả đội tàu.

Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, trên cơ sở khuyến nghị của EC, thời gian qua, Việt Nam đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Hay tại Kiên Giang, vừa qua đã xử một vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài với mức án 8 năm tù… Điều này cho thấy sự quyết liệt của Việt Nam đối với kiểm soát nguồn gốc thủy sản - một vấn đề được EC rất quan tâm.

Chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc

Theo kế hoạch, vào tháng 4/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam lần thứ năm để xem xét gỡ cảnh báo Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho Việt Nam. Nếu không gỡ được “thẻ vàng” trong năm nay thì có thể phải mất vài năm nữa Việt Nam mới có cơ hội.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu không tháo gỡ được “thẻ vàng” IUU trong năm 2024, hoạt động xuất khẩu sang EU sẽ bị đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất...

“Sau 4 lần kiểm tra, EC vẫn đánh giá hướng đi của chúng ta rất đúng. Chúng ta rất tích cực nhưng việc tổ chức thực hiện, đặc biệt ở các địa phương còn yếu. Vì vậy đợt này, cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc, không chỉ riêng các bộ, ngành TƯ” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm: Các chuyển biến tích cực trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam đã được thể hiện. Nhưng các địa phương, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP và các thành tố trong xã hội đều phải vào cuộc.

“Tôi thường xuyên đi kiểm tra IUU ở các cảng cá. Có cảng cá tôi đến tới 3 lần. Giở từng cuốn nhật ký, nhưng hỏi đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc Sở thì hiếm có người đi tận nơi lắm, may ra có Phó Giám đốc Sở. Điều đó cho thấy, có nơi chính quyền quan tâm chưa đúng mức…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn chứng.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các văn bản chỉ đạo và biện pháp triển khai đã cơ bản đầy đủ. Năm 2024 cơ hội gỡ “thẻ vàng” rất lớn. Nếu qua năm 2024 châu Âu bầu cử lại chính quyền thì phải một vài năm họ mới đề cập đến việc này và Việt Nam sẽ mất đi cơ hội.

Từ nay đến lần kiểm tra tiếp theo (dự kiến tháng 4/2024), Bộ NN&PTNT đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên liên tục và đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng”.

Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại địa phương.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-no-luc-de-go-the-vang-iuu.html