Việt Nam nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế
Tại Diễn đàn Đông Nam Á, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời, Việt Nam sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Ngày 04/12/2023, tại thủ đô Paris, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã tham dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Đông Nam Á do Thượng viện Pháp chủ trì, phối hợp với Business France tổ chức dưới sự bảo trợ của Chủ tịch thượng viện Pháp Gérard Larcher.
Diễn đàn được tổ chức với mục đích thắt chặt quan hệ và tăng cường hợp tác giữa Pháp với các nước khu vực Đông Nam Á. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của của hơn 200 doanh nghiệp Pháp và ASEAN, trong đó có Việt Nam, tập trung thảo luận các vấn đề nóng của thế giới và khu vực như: chuyển đổi năng lượng và trung hòa carbon, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng và logistics, an ninh lương thực, phát triển hệ thống y tế... Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng mở Tọa đàm bàn tròn dành riêng cho Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Diễn đàn là nhịp cầu kết nối và củng cố hợp tác giữa ASEAN và Pháp nói riêng, cũng như ASEAN và EU - hai khu vực kinh tế quan trọng của thế giới nói chung, để cùng nhau ứng phó với những vấn đề đặt ra cho thế giới hiện nay, đồng thời tiếp tục phát triển mối quan hệ được thiết lập từ 45 năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng thời đánh giá cao vai trò đầu tầu của Pháp trong quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Với việc Pháp chủ trương thúc đẩy các lĩnh vực thế mạnh như thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, v.v… Đây cũng chính là các lĩnh vực mà các nước trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mong muốn và tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác phát triển.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam có những lợi thế đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để có thể đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ giữa các nước ASEAN với Pháp. Cụ thể:
(i) Việt Nam có mối gắn kết lịch sử, mối quan hệ ngoại giao truyền thống từ 50 năm và quan hệ đối tác chiến lược 10 năm qua với Pháp;
(ii) Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á vừa có Hiệp định thương mại tự do với EU, vừa tham gia tuyên bố chung về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP với EU và các nước G7, giúp thuận lợi hóa tối đa quá trình phát triển thương mại song phương và quá trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững ;
(iii) Vị trí cửa ngõ của Đông Nam Á, 16 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và việc sở hữu nguồn cung các nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp mới nổi giúp Việt Nam trở thành cầu nối hữu hiệu của ASEAN với các nước đối tác.
Bộ trưởng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam và cam kết ổn định chính sách lâu dài để các nhà đầu tư Pháp và EU kinh doanh thành công và hiệu quả tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher khẳng định Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động nhất về kinh tế - thương mại và đầu tư cũng như đổi mới sáng tạo. Ông Gérard Lacher cho biết, trong chuyến thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam năm 2022, ông thực sự ấn tượng trước sự năng động của Việt Nam cũng như tiềm năng to lớn của khu vực Đông Nam Á.
Ông Gérard Lacher bày tỏ mong muốn củng cố hơn nữa vai trò của Pháp trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước Đông Nam Á, một thị trường đặc biệt tiềm năng với hơn 600 triệu dân. Ông Gérard Lacher cũng đồng thời đánh giá cao các nước Đông Nam Á tiếp tục thúc đẩy tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương, khu vực và song phương, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa EU với Việt Nam (EVFTA) và và Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Singapore.
Tham gia phát biểu khai mạc Diễn đàn còn có Chủ tịch thượng viện Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai và Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái và gắn kết lãnh thổ Pháp Clement Beaune.
Bên cạnh các phiên chuyên đề về các vấn đề nóng của thế giới và khu vực, Diễn đàn cũng dành riêng một Tọa đàm bàn tròn về Việt Nam do Cơ quan Thương mại và đầu tư Pháp (Business France) và Bộ Công Thương đồng chủ trì. Tọa đàm được xem như một trong những hoạt động thiết thực do Việt Nam và Pháp phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phát biểu về tầm nhìn và chính sách của Việt Nam đối với phát triển bền vững để trở thành trung tâm trong chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã cập nhật tới cộng đồng doanh nghiệp Pháp những thông tin mới nhất về cơ hội hợp tác với Việt Nam thông qua hai phiên thảo luận về năng lượng và xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt quan hệ chính trị tốt đẹp, đã định hướng và tạo đà phát triển cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020, đang đóng trò là động lực trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian qua.
Hiện tại mới chỉ có hai nước trong ASEAN ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Pháp có thể coi “Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN’’ đối với hàng hóa và đầu tư từ Pháp. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng Pháp là trung tâm phân phối hàng hóa sang toàn khối EU. Theo số liệu hải quan Pháp, trong năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Pháp đạt 8,1 tỷ Euro chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Pháp với toàn thế giới (1354 tỷ Euro). Điều đó cho thấy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Tọa đàm Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Đông Nam Á đã nhận được sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp Pháp và ASEAN. Hoạt động kết nối giao thương đã diễn ra sôi nổi, hiệu quả và được doanh nghiệp hai bên đánh giá cao.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diễn đã gặp gỡ và trao đổi với các Tập đoàn lớn của Pháp trong lĩnh vực năng lượng và phân phối như: EDF, Perenco, Air Liquide, Carrefour... Bộ trưởng đánh giá cao các hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Pháp với Việt Nam và khẳng định Việt Nam sẽ luôn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Pháp mong muốn tiếp cận và mở rộng hoạt động kinh doanh.