Việt Nam-Pakistan: Hướng tới sự hợp tác ngày một chặt chẽ

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 82 ngày Quốc khánh Pakistan (23/3/1940-23/3/2022) và kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pakistan (8/11/1972-8/11/2022), Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab đã chia sẻ với TG&VN về những tiềm năng để đưa quan hệ song phương ngày một phát triển hơn nữa.

Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Nam Samina Mehtab tại lễ trình Thư ủy nhiệm lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ngày 16/6/2021. (Nguồn: ĐSQ Pakistan tại Việt Nam)

Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Nam Samina Mehtab tại lễ trình Thư ủy nhiệm lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ngày 16/6/2021. (Nguồn: ĐSQ Pakistan tại Việt Nam)

Pakistan kỷ niệm Quốc khánh vào ngày 23/3. Đại sứ có thể chia sẻ cho bạn đọc TG&VN về ý nghĩa lịch sử đằng sau ngày lễ quan trọng này?

Ngày Pakistan là ngày kỷ niệm sự ra đời của Nghị quyết Lahore năm 1940, còn được gọi là Nghị quyết Pakistan, dẫn đến sự thành lập Pakistan.

Ngày 23/3/1940, các nhà lãnh đạo Hồi giáo của tiểu lục địa, trong đó có nhà lãnh đạo Quaid-e-Azam Muhammad Ali Jinnah, đã thông qua Nghị quyết Lahore lịch sử.

Nghị quyết này đề xuất thành lập một quốc gia độc lập cho người Hồi giáo ở khu vực Tây Bắc và phía Đông của tiểu lục địa, nơi mà đa số người dân theo đạo Hồi.

Nghị quyết đã tạo động lực cũng như hướng đi cho những nỗ lực của người Hồi giáo ở tiểu lục địa. Kết quả là, chỉ sau 7 năm, Pakistan đã được thành lập vào ngày 14/8/1947.

Năm 2022 đánh dấu mốc 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pakistan. Hai nước vốn có mối quan hệ thân thiết, trải dài trên nhiều lĩnh vực. Được biết, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam đã có một kế hoạch chi tiết để tổ chức các sự kiện nhân kỷ niệm này. Đại sứ có thể “bật mí” thêm về chuỗi hoạt động này?

50 năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam thực sự là một dịp quan trọng. Do đó, chúng tôi đã vạch ra một loạt các sự kiện để kỷ niệm cột mốc này.

Trước tiên, ngày 18/1, Đại sứ quán Pakistan đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha già của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hoạt động khởi động cho năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pakistan.

Các hoạt động tiếp theo sẽ diễn ra trong suốt năm nay, bao gồm: chuyến thăm của tàu Hải quân Pakistan tới Đà Nẵng, trao đổi đoàn nghị viện, chuyến thăm của đoàn đại biểu đến từ Đại học Quốc phòng quốc gia Pakistan, phát hành bộ tem, logo kỷ niệm quan hệ song phương, thành lập Phòng Pakistan tại các trường đại học Việt Nam, các hội nghị quốc tế, sự kiện trao đổi văn hóa, giao hữu cricket và các môn thể thao khác.

Tôi hy vọng tất cả những hoạt động trên sẽ phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng để đưa quan hệ Pakistan và Việt Nam ngày một chặt chẽ hơn nữa.

Trong năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt khoảng 794 triệu USD. Hai bên đang phấn đấu để kim ngạch thương mại 1 tỷ USD vào năm nay, bà có cho rằng mục tiêu này là khả thi? Nếu vậy, những hợp tác và lĩnh vực nào sẽ được Pakistan ưu tiên thúc đẩy với Việt Nam?

Chắc chắn rằng mục tiêu này khả thi. Hai nước có thể dễ dàng đạt được kết quả này bằng cách cùng nhau nỗ lực, đẩy mạnh quan hệ theo đúng phương hướng.

Cả hai quốc gia cần khám phá và khai thác tiềm năng thương mại trong các lĩnh vực như: dệt may, thủy sản và công nghệ thông tin.

Về dệt may, Pakistan đang xuất khẩu ra thế giới hàng dệt may chất lượng cao. Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, ngành dệt may của Pakistan có khả năng mang lại trị giá 50 tỷ USD cho nền kinh tế của đất nước.

Tương tự trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xuất khẩu của Pakistan đã vượt qua con số 5 tỷ USD mỗi năm, với lượng kiều hối xuất khẩu nhờ vượt con số 1,44 tỷ USD.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Pakistan (SECP) ghi nhận hơn 12.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và công nghệ thông tin kích hoạt dịch vụ (ITeS), bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nước và có thiên hướng xuất khẩu.

Thêm vào đó, Pakistan cũng có khoảng hơn 500.000 chuyên gia IT thuần thục tiếng Anh, có chuyên môn cao về các sản phẩm công nghệ thông tin hiện hành và mới nổi. Mỗi năm, Pakistan có khoảng hơn 25.000 kỹ sư và sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin.

Pakistan đứng thứ 4 toàn cầu về sự phát triển của thị trường ngành nghề tự do, đạt 1,2 tỷ USD. Do đó, các doanh nhân Việt Nam có rất nhiều cơ hội để hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin với Pakistan.

Sự hiện diện của đất nước và con người Pakistan trên truyền thông Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến việc nhiều người dân Việt Nam không có đầy đủ thông tin và sự hiểu biết đến văn hóa, con người Pakistan. Pakistan cũng có rất nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch nổi tiếng. Đại sứ có sáng kiến nào nhằm thúc đẩy quảng bá hình ảnh của Pakistan tại Việt Nam hơn nữa?

Nhằm tăng cường sự trao đổi văn hóa, chúng tôi đã và đang thực hiện một số sáng kiến, như phát sóng những bộ phim truyền hình Pakistan nổi tiếng và phim tài liệu về Pakistan trên VTV.

Chúng tôi cũng đang trong quá trình đàm phán và ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình Pakistan (PTV). Biên bản này sẽ giúp việc chia sẻ những nội dung liên quan đến Pakistan với Việt Nam nhanh và dễ dàng hơn.

Hơn nữa, chúng tôi cũng đang kết nối với các cơ quan du lịch của cả hai nước nhằm giới thiệu di sản Phật giáo đặc biệt của Pakistan tới người Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng, sau khi tình hình dịch Covid-19 được cải thiện, du lịch tôn giáo sẽ đưa Pakistan và Việt Nam xích lại gần nhau hơn.

Từ khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam từ năm 2021, bà có cảm nhận thế nào về đất nước và con người Việt Nam?

Phải nói rằng cho đến nay, tôi đã có những trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn. Tôi luôn cảm thấy người dân Việt Nam rất nồng hậu và nhiệt tình. Vì vậy, chưa bao giờ tôi có cảm giác bản thân đang ở cách xa đất nước tới hàng ngàn dặm cả.

Việt Nam có di sản văn hóa phong phú và những địa danh tuyệt vời, tôi thật sự may mắn khi được khám phá đất nước xinh đẹp này. Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng Việt Nam đã thực hiện tiến bộ kinh tế to lớn và đang phát triển ở mức đáng kinh ngạc.

Về công việc, tôi luôn được các quan chức và các bộ, ban, ngành của Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ hiệu quả. Họ luôn hoan nghênh các đề xuất và luôn ưu tiên giải quyết các vấn đề của tôi.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Đăng Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-pakistan-huong-toi-su-hop-tac-ngay-mot-chat-che-177870.html