Việt Nam phải làm gì để không lỡ nhịp 'cuộc chơi lớn' trong thu hút FDI?

Bên cạnh các chính sách ưu đãi, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, Việt Nam đang chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao để đón làn sóng FDI lần thứ tư vào các ngành công nghệ cao, nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Nhìn vào bức tranh 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có một số điểm sáng tích cực. Các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Cùng với đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng liên tiếp tăng trên 50%.

Cơ hội đón làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam

Dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Rating, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%.

Tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” ngày 26/3, TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia dự báo, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn.

Lũy kế đến hiện tại có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt nam.

Lũy kế đến hiện tại có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt nam.

Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm.

Một thực tế được chỉ ra là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19; Biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; và mô hình tăng trưởng cũ dựa nhiều vào vốn, lao động giá rẻ đã đến điểm giới hạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá FDI được xem là một điểm sáng, động lực quan trọng góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2024.

Cụ thể, trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so với năm 2022. Trong đó, các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%. Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới.

Lũy kế đến hiện tại có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt nam. Với nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, nền tảng kinh tế chính trị xã hội ổn định, lao động có trình độ năng lực thì dự kiến vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Bước ngoặt chuyển đổi nguồn vốn và lao động

Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam, chia sẻ chính sách thu hút nhà đầu tư sao cho hoạt động hiệu quả là yếu tố rất quan trọng. Khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp quan tâm đến chi phí, trong đó nhân lực của Việt Nam có cạnh tranh hay không. Đồng thời, Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực công nghệ cao sẵn sàng hay chưa. “Việt Nam có vị trí kề bên một nước láng giềng có nguồn lực lớn, đó cũng là vị trí rất tốt cho nhà đầu tư quan tâm tới”, bà Thùy nói.

Thực tế trong 15 năm hoạt động tại Việt Nam, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, chia sẻ vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp FDI là giấy phép đã được tháo gỡ rất nhiều và còn nhiều dư địa để tháo gỡ hơn nữa.

Các doanh nghiệp FDI cũng lo lắng về nhân sự có giỏi không, có lành nghề không? Sau lực lượng lao động thì lo lắng tiếp theo là các nhà cung cấp, nhiều công ty FDI trước đây mang theo đội ngũ cung cấp của họ sang Việt Nam nhưng việc này đã dần ít đi.

“Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp Việt phục vụ trong chuỗi cung ứng của họ như xây dựng, logistics…Như vậy có thể thấy, dòng vốn FDI mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt”, ông Bolat Duisenov nhấn mạnh.

Về vấn đề nhân lực, ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Thái Nguyên, cho hay Thái Nguyên được coi là điểm sáng trong thu hút FDI. Trong quý I/2024 có gần 500 triệu USD và gần 5.000 tỷ đồng vốn FDI đã chảy vào Thái Nguyên. Đồng thời, Thái Nguyên đang được quy hoạch 12 KCN gấp gần 3 lần giai đoạn năm 2020 chỉ có 5 KCN.

Có được kết quả này, ông Trung cho hay nhờ tỉnh đã vận dụng 8 lợi thế để thu hút FDI, cùng với đó là cam kết hạ tầng phát triển đồng bộ, đáp ứng nguồn nhân lực, lao động có chất lượng.

“Chúng tôi cam kết về nguồn lao động, nhân lực. Thái Nguyên có hệ thống cam kết với trường đại học, với Sở LĐTB&XH địa phương để cung cấp lao động với trình độ đại học gần 70%. Tính đến nay, Thái Nguyên có gần 12.000 lao động, chúng tôi đã đồng hành và tạo việc làm cho gần 6.000 lao động”, ông Trung nói.

Một yếu tố để hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đó là nguồn vốn cho các doanh nghiệp này. "Có phải doanh nghiệp FDI đương nhiên sẽ do ngân hàng ngoại phục vụ?", ông Ngô Tấn Long, Phó TGĐ phụ trách khối Khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng ACB, đặt vấn đề.

Theo vị giám đốc này, hiện nay các ngân hàng Việt cũng đã đầu tư nguồn lực, công nghệ cũng như các chính sách phù hợp cho phân khúc FDI. Đặc biệt nhóm doanh nghiệp FDI quy mô vừa có doanh thu từ 50 triệu USD hàng năm trở xuống có địa bàn hoạt động trải dài nhiều tỉnh thành sẽ rất phù hợp khi có mối quan hệ hợp tác với ngân hàng Việt.

“49.000 khách hàng FDI, theo phân tích sẽ chiếm tỷ trọng 65-70% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như đóng góp vào GDP là khoảng 20%, đó là tỷ trọng rất lớn, nên các ngân hàng có những thế mạnh riêng để cạnh tranh. Chẳng hạn, ACB quan tâm là nhóm doanh nghiệp có doanh thu khoảng 50-80 triệu USD/năm trở lại”, đại diện ACB cho hay.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-phai-lam-gi-de-khong-lo-nhip-cuoc-choi-lon-trong-thu-hut-fdi-1098951.html