Việt Nam-Pháp tăng cường quan hệ thông qua hợp tác địa phương
Đại sứ Việt Nam tại Pháp đề nghị hai bên thúc đẩy thương mại song phương thông qua việc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may.
Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp do Đại sứ Đinh Toàn Thắng dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Strasbourg, thủ phủ của vùng Grand Est (Đại Đông).
Đây là chuyến công tác đầu tiên của năm 2025 nhằm thúc đẩy hợp tác địa phương giữa hai nước.
Trong hai ngày 5-6/2, đoàn đã làm việc với Phòng thương mại và công nghiệp khu vực Alsace-Eurométropole, Hội đồng vùng Grand Est và cơ quan Eurométropole Strasbourg.
Trao đổi với ông Jean-Luc Heimburger, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) Alsace Eurométropole, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại với Pháp và các nước trên thế giới.
Đại sứ đề nghị hai bên thúc đẩy thương mại song phương thông qua việc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may và giày dép vào thị trường Alsace, đồng thời khuyến khích nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao, dược phẩm và hàng tiêu dùng từ khu vực này vào Việt Nam; kêu gọi các nhà đầu tư địa phương tới Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực dược phẩm, công nghệ sinh học, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bán dẫn…
Đại sứ cũng đề nghị CCI Alsace Eurométropole chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm các chương trình đào tạo, tư vấn quản lý và hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế; hỗ trợ tổ chức các diễn đàn kinh tế, hội chợ thương mại và các buổi kết nối doanh nghiệp giữa hai bên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp và ngược lại.
Làm việc với ông Christian Debève, Ủy viên Hội đồng vùng Grand Est, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và vùng Grand Est ; phát triển hợp tác trong giáo dục và đào tạo thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam và vùng Grand Est, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.
Liên quan đến lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, hai bên cũng thảo luận về các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong các ngành như công nghệ sinh học, y tế và năng lượng tái tạo; xem xét việc thành lập các dự án nghiên cứu chung, các trung tâm đổi mới sáng tạo, để thúc đẩy phát triển bền vững.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng đề xuất tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và xúc tiến du lịch nhằm tăng cường sự kết nối và hiểu biết giữa người dân hai khu vực.
Theo Đại sứ, việc tổ chức các sự kiện văn hóa, triển lãm nghệ thuật và tuần lễ ẩm thực sẽ giúp quảng bá hình ảnh của cả hai bên và thu hút khách du lịch. Đại sứ cũng nhấn mạnh mong muốn phát triển hợp tác phi tập trung, khuyến khích thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương của Việt Nam và vùng Grand Est, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm về quản lý đô thị, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tại cơ quan Eurométropole Strasbourg, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã làm việc với bà Anne-Marie Jean, Phó Chủ tịch phụ trách đào tạo, kinh tế, doanh nghiệp, chuyển đổi sinh thái và du lịch bền vững. Hai bên đã trao đổi các cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực chiến lược, thống nhất cùng phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương triển khai các sáng kiến hợp tác kinh tế, mở ra các cơ hội đầu tư và trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Strasbourg.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã đề xuất phát triển các dự án hợp tác về giao thông thông minh, giao thông xanh và cơ sở hạ tầng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung phát triển đô thị thông minh và giao thông đô thị, và thành phố Strasbourg có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các giải pháp giao thông bền vững.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Jean-Luc Heimburger, Chủ tịch CCI Alsace Eurométropole, cho rằng buổi làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua, ông khẳng định có nhiều tiềm năng hợp tác giữa vùng Alsace, Grand Est và Việt Nam.
Ông chỉ rõ "việc cần làm hiện nay là tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời xem cách các doanh nghiệp Alsace có thể kết nối và hợp tác như thế nào, vì thương mại luôn là sự trao đổi hai chiều."
Để làm được điều đó ông cho rằng hai bên cần tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nhân Việt Nam và Alsace để cùng nhau thảo luận và tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Vai trò của một Phòng thương mại và công nghiệp chính là tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc gặp gỡ này và hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được kết quả thực chất.
Chào mừng sự hiện diện của đoàn công tác tại vùng Grand Est, ông Christian Debève, Ủy viên Hội đồng vùng, phụ trách quan hệ quốc tế, cho rằng đây là cơ hội để giới thiệu những thế mạnh và nhu cầu của mỗi bên.
Ông cho biết Grand Est là vùng có sức hút đầu tư cao thứ hai tại Pháp và có sức hấp dẫn đứng thứ 9 trong toàn châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư hoặc hợp tác với doanh nghiệp Pháp sẽ tìm thấy nhiều lợi thế tại đây, đặc biệt là về hệ thống giao thông, sân bay, cũng như nền ẩm thực phong phú cùng các loại rượu vang danh tiếng thế giới.
Với tinh thần sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động tại Pháp, đặc biệt là ở miền Đông nước này, ông chỉ rõ những tiềm năng hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, du lịch và đào tạo.
Bên cạnh đó, hợp tác giáo dục cũng là một lĩnh vực đáng chú ý. Hiện tại, vùng Grand Est đã và đang đón tiếp hơn 8.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học khác nhau. Chính quyền hy vọng các chương trình trao đổi sinh viên sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Phụ trách về mảng kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi sinh thái, bà Anne-Marie Jean, Phó Chủ tịch Eurométropole Strasbourg, bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết tâm của Việt Nam hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo bà, hai bên hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác và phát triển các sáng kiến chung trong lĩnh vực này, vì đây là một mục tiêu phù hợp với những định hướng của Pháp, đặc biệt là của thành phố Strasbourg, nơi luôn cam kết mạnh mẽ về các vấn đề môi trường, bảo vệ thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy một nền kinh tế bền vững và đảm bảo quyền lợi cho con người.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bà bày tỏ mong muốn gặp các doanh nghiệp Việt Nam tại triển lãm Vivatech sẽ diễn ra ở Paris vào tháng 6/2025 tới, cho rằng đây sẽ là một sự kiện quan trọng, nơi các doanh nghiệp hai bên có thể gặp gỡ, trao đổi về đổi mới sáng tạo và công nghệ số.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại vùng Grand Est, Đại sứ Đinh Toàn Thắng và đoàn công tác đã tới thăm BioValley Alsace, một trung tâm đổi mới và cạnh tranh trong khu vực. Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, BioValley Alsace là mạng lưới quy tụ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trung tâm học thuật chuyên về khoa học sự sống, đặc biệt là công nghệ sinh học, dược phẩm, y tế và dinh dưỡng.
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm này còn tạo cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học sự sống. Đây là một trung tâm quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới của Alsace, đóng góp tích cực vào năng lực cạnh tranh khu vực và thúc đẩy nghiên cứu khoa học cũng như công nghiệp.
Grand Est là một vùng hành chính lớn của Pháp, được thành lập vào ngày 1/1/2016 trên cơ sở sáp nhập của 3 vùng hành chính cũ là Alsace, Champagne-Ardenne và Lorraine. Trải rộng trên diện tích hơn 57.400 km2, vùng này có 5,55 triệu dân, tập trung nhiều nhất ở thủ phủ Strasbourg và các thành phố lớn khác như Reims, Mulhouse, Nancy và Metz.
Không chỉ nổi tiếng về văn hóa và lịch sử lâu đời, vùng đất này còn được biết đến nhờ du lịch và ẩm thực, cũng là địa phương đi tiên phong trong phát triển công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Có vị trí địa lý giáp biên giới với Bỉ, Luxembourg, Đức và Thụy Sĩ, vùng Grand Est được coi như một cửa ngõ mở ra các thị trường quốc tế lớn, giúp kết nối với thị trường toàn cầu./.