Việt Nam phê duyệt Báo cáo quốc gia về thực thi công ước chống tra tấn

Việt Nam đã ban hành hơn 56 luật và các văn bản quy phạm pháp luật, để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng.

Phê duyệt Báo cáo quốc gia về thực thi công ước chống tra tấn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)

Phê duyệt Báo cáo quốc gia về thực thi công ước chống tra tấn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)

Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 174/QĐ-TTg phê duyệt Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT).

Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an tiến hành hiệu đính bản dịch Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước CAT và thực hiện các thủ tục đối ngoại cần thiết gửi Báo cáo đến Ủy ban chống tra tấn theo quy định.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để chuẩn bị cho phiên trình bày và trả lời trước Ủy ban chống tra tấn.

Trước đó, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam về thực thi Công ước CAT để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Báo cáo gồm 187 khổ, chia làm 5 phần: Thông tin chung, Kết quả thực hiện Công ước CAT, Thông tin bổ sung đối với các bình luận và khuyến nghị của Ủy ban CAT, Kết luận và 10 Phụ lục.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành hơn 56 luật và các văn bản quy phạm pháp luật, để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng như: Luật Thi hành án hình sự 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020; Luật Cư trú năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021; Luật Cảnh sát cơ động năm 2022; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Để triển khai thi hành các luật, Việt Nam tiếp tục ban hành hơn 100 văn bản hướng dẫn nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại.

Đáng chú ý, Việt Nam đã thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, đặc biệt là đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của Bộ Công an thông qua số điện thoại 113 hoặc 0692326555; đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đường dây nóng về bảo vệ trẻ em qua số điện thoại 111.

Việt Nam cũng đã xây dựng mô hình “Phòng điều tra thân thiện” để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi. Mô hình “Phòng điều tra thân thiện” được thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ.

Điều tra viên được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/lần và 1 ngày không quá 2 lần theo quy định và có sự tham gia của người giám hộ trong quá trình lấy lời khai.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập 33 phòng điều tra thân thiện tại Cục Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an 30 địa phương…

Cùng với những kết quả thực hiện Công ước CAT đã đạt được, Việt Nam còn một số vấn đề nội tại cần được quan tâm giải quyết; một số khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Công ước CAT và khuyến nghị phù hợp của Ủy ban CAT. Vì vậy, quan điểm chính sách và cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Công ước là xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, thực hiện công tác bảo đảm nhân quyền, đặc biệt là triển khai, thực hiện nghiêm túc Công ước CAT, các công ước cơ bản về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.

Việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước CAT cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại và trao đổi với các nước và tổ chức quốc tế về nhân quyền.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-phe-duyet-bao-cao-quoc-gia-ve-thuc-thi-cong-uoc-chong-tra-tan-260513.html