Việt Nam quy hoạch, đầu tư cho 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định này, Thủ đô Hà Nội sẽ có 3 bệnh viện, TP.Hồ Chí Minh có 2 bệnh viện và Tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 bệnh viện được quy hoạch trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.

Trước đó, trong dự thảo quy hoạch, Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế. Như vậy, theo quyết định này TP. Hồ Chí Minh có thêm bệnh viện được nâng cấp.

 Bệnh viện Bạch Mai được quy hoạch để nâng tầm, trở thành trung tâm khám chữa bệnh tầm quốc tế (ảnh minh họa - nguồn internet).

Bệnh viện Bạch Mai được quy hoạch để nâng tầm, trở thành trung tâm khám chữa bệnh tầm quốc tế (ảnh minh họa - nguồn internet).

Việc nâng cấp 6 bệnh viện sẽ giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Những bệnh viện này được đầu tư chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế.

Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân, 4 dược sĩ trên 10.000 dân, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân.

Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân.

Đồng thời, mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân, phấn đấu tỉ lệ giường bệnh tư nhân ít nhất chiếm 10% vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

Quy hoạch cũng nêu rõ phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế hướng tới bảo đảm mỗi vùng đều có bệnh viện đa khoa đảm nhận chức năng vùng; phát triển các trung tâm chuyên khoa trong các bệnh viện đa khoa; nâng cấp một số bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh có khả năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng.

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, quy hoạch hình thành 3 trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực gắn với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur hiện có; phát triển hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực.

Đối với lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn, phát triển hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu gắn với các viện chuyên ngành quốc gia. Nâng cấp 2 trung tâm quốc gia về đánh giá tương đương sinh học đạt chuẩn quốc tế.

Lĩnh vực giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần, quy hoạch xây dựng mới 1 cơ sở giám định pháp y khu vực tại TP. Hồ Chí Minh; 2 cơ sở giám định pháp y tâm thần khu vực tại Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, quy hoạch phát triển 6 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực hiện có tại các vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Hình thành 2 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cấp vùng tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 2 khu phức hợp y tế chuyên sâu khi có đủ điều kiện tại miền Bắc (dự kiến tại Bắc Ninh) và miền Nam (dự kiến tại Long An).

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-quy-hoach-dau-tu-cho-6-benh-vien-ngang-tam-quoc-te-post286485.html