Việt Nam quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Sau 2 năm nỗ lực khắc phục 'thẻ vàng' IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam, ngư dân ven biển đã quyết tâm thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc hải sản rõ ràng, bảo vệ hệ sinh thái biển và phát triển nghề cá bền vững.

Ủy ban châu Âu (EC) đã có những đánh giá, ghi nhận vấn đề này khá tích cực, nhưng chưa gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với ngành đánh bắt, chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam.

Cơ hội "cải tổ" nghề cá

Góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu (EC), các hoạt động hậu cần nghề cá ở Cà Mau ngày càng được chú trọng, phát triển. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu (EC), các hoạt động hậu cần nghề cá ở Cà Mau ngày càng được chú trọng, phát triển. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

"Thẻ vàng" đã gây không ít khó khăn cho nghề cá Việt Nam. Trong 2 năm qua, lượng hải sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Bà Cao Thị Kim Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) chia sẻ, thị trường châu Âu chiếm khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Bidifisco, kim ngạch trung bình đạt 40 triệu USD/năm. Tuy nhiên, sau khi châu Âu giơ "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam, 80% lô hàng hải sản của Bidifisco xuất khẩu vào EU bị tạm dừng thông quan và chờ kiểm tra nguồn gốc khai thác. Chính vì vậy, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn 40% và giá trị cao nhất chỉ được 30 triệu USD/năm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ tháng 10/2017 (thời điểm bị EC áp thẻ vàng IUU) đến nay kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu giảm 6,5% trong năm 2018 (còn gần 390 triệu USD) và tiếp tục chững lại năm 2019. Đáng chú ý, từ chỗ đứng thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, nay đã xuống vị trí thứ 5.

Theo tin tức từ trang LaLibre.be, hiện EC không chỉ áp dụng việc chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo đối với các quốc gia khác mà cả cộng đồng các quốc gia tại châu Âu cũng thực hiện nghiêm ngặt vấn đề này. Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 12/2019, các Bộ trưởng châu Âu phụ trách nghề cá cũng đã đưa ra quy định thay đổi loài khai thác tại biển Đại Tây Dương và Biển Bắc.

Theo mục tiêu của các Bộ trưởng nghề cá châu Âu, ngư dân các quốc gia châu Âu sẽ chuyển sang khai thác cá chim và cá đuối, hạn chế khai thác cá tuyết tại các vùng biển này. Theo đó, châu Âu đặt mục tiêu trong khuôn khổ chính sách thủy sản chung, các “kho cá” của châu Âu sẽ được khai thác, đánh bắt giảm 88% hạn ngạch nhằm loại bỏ hành vi khai thác quá mức và bảo quản nguồn cá.

Trong bối cảnh này buộc nghề cá Việt Nam phải "cải tổ" để phù hợp với sân chơi thế giới nói chung và thị trường châu Âu nói riêng. Ủy ban Hải sản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam với 62 doanh nghiệp đã cam kết chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản chia sẻ, việc gỡ bỏ thẻ vàng, giành lại thẻ xanh là việc không thể vội vàng. Thay vào đó cần phải từng bước chứng minh cho phía châu Âu thấy được nỗ lực của chúng ta bằng những hành động cụ thể; trong đó, phải kể đến sự quyết tâm xử lý những trường hợp tàu cá khai thác trái phép cũng như giám sát được hành trình của tàu cá.

Thẻ vàng IUU mà EC đưa ra đã tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam. Song, trong thách thức lại tạo nên cơ hội mới để các doanh nghiệp thủy sản tái cơ cấu, thực hiện khai thác hải sản có trách nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh và hướng tới phát triển nghề cá bền vững.

Kiên quyết chống khai thác hải sản trái phép

Sau cuộc kiểm tra của EC hồi đầu tháng 11/2019, nghề cá Việt Nam vẫn còn phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Theo kế hoạch, đến giữa năm 2020, EC sẽ tiếp tục kiểm tra nỗ lực thực hiện chống khai thác hải sản trái pháp, bất hợp pháp để từ đó đưa ra quyết định gỡ bỏ thẻ vàng đối với Việt Nam hay không.

Cũng chính vì mục tiêu hồi phục và "cải tổ" nghề cá, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống nạn khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tại cuộc họp lần thứ 3 Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp vừa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các khuyến nghị của Đoàn thanh tra thuộc EC. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đặc biệt, tham mưu sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, đảm bảo phù hợp với khuyến nghị của Đoàn thanh tra và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành, nghề thủy sản; trong đó, chuyển đổi một cách hợp lý từ khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thủy sản trong giai đoạn tới và xây dựng Đề án Phát triển nuôi biển.

UBND các tỉnh, thành phố ven biển kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tàu cá xuất bến không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị an toàn hàng hải, nhất là kiểm soát chặt chẽ lao động tham gia vào hoạt động khai thác hải sản theo quy định của pháp luật về lao động. Các tỉnh kịp thời thông báo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về các tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. UBND các tỉnh có sự chỉ đạo và phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU.

Đồng thời, UBND các tỉnh tăng cường triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định liên quan chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC; trong đó tập trung triển khai Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Căn cứ đặc thù nghề cá của địa phương, các cơ quan chức năng tại địa phương chủ động xác định các trường hợp có khả năng cao vi phạm khai thác IUU để có biện pháp tuyên truyền, vận động, phòng ngừa từ sớm, đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị định vị (VMS), đánh dấu tàu cá theo quy định. Các địa phương khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để phục vụ cho việc xử lý hành vi khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phục vụ cho truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-quyet-tam-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-20191231175522026.htm