Việt Nam sẵn sàng đón 'đại bàng' chip bán dẫn từ khắp thế giới
Vị thế của Việt Nam như một ngọn hải đăng của sự ổn định và tăng trưởng. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ. Vì vậy, Chính phủ đang có nhiều giải pháp 'xây tổ' đón các tập đoàn lớn, trong đó bên cạnh cơ chế ưu đãi, một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đầu tháng 10 này, nhà máy bán dẫn lớn nhất Việt Nam của Amkor đã chính thức khánh thành với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD. Ở giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (Sip) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Thu hút nhiều tập đoàn lớn
Được biết, trong giai đoạn II, III, Amkor sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh cũng như Việt Nam được tìm hiểu, hợp tác đầu tư, tham gia chuỗi sản xuất chip bán dẫn trên toàn cầu, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những cứ điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới.
Ông Ji Jong Rip, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc toàn cầu của Tập đoàn công nghệ Amkor khẳng định, doanh nghiệp muốn tăng cường sử dụng các kỹ sư, nhân sự trình độ cao tại Việt Nam, kết hợp với việc huy động các kỹ sư, chuyên gia trình độ cao từ các cơ sở khác trên khắp thế giới của Tập đoàn.
Cùng với đó, tại Bắc Giang, tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) đã đưa nhà máy bán dẫn thứ hai vào hoạt động. Theo kế hoạch, Han Micron Việt Nam sẽ là cơ sở sản xuất số một trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này và công ty dự kiến nâng vốn đầu tư dự án ở Việt Nam lên hơn 1 tỷ USD trong năm 2025.
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) đánh giá, vị thế của Việt Nam như một “ngọn hải đăng” của sự ổn định và tăng trưởng. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ.
Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn: Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Tuy vậy, để chuẩn bị đón bắt được các cơ hội thì Việt Nam cũng cần chiến lược phát triển cụ thể. Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ yêu cầu tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Trong đó, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Trong một diễn biến liên quan, sau gần 3 năm thi công, cơ sở mới của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) sẽ được khánh thành vào cuối tuần này (28/10). NIC Hòa Lạc sẽ tập trung vào 8 lĩnh vực trọng tâm gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, công nghiệp bán dẫn…
Trong đó, công nghiệp bán dẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ tới Việt Nam hồi trung tuần tháng 9 đã nâng cấp quan hệ hai nước, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, nhìn từ thành công của một số quốc gia phát triển mạnh ngành bán dẫn trên thế giới sẽ thấy đây là ngành có đóng góp lớn tới tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đây sẽ là cơ hội lớn, động lực tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Lĩnh vực này sẽ mở ra cơ hội đón dòng đầu tư lớn từ Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Ông Huy cho biết, trong định hướng phát triển ngành bán dẫn, Bộ KH&ĐT đề xuất một số định hướng ưu tiên, phát triển mảng thiết kế bán dẫn là mảng mà Việt Nam có lợi thế để phát triển, do hệ thống nguồn nhân lực Việt Nam khá tốt.
Thời gian tới, Bộ KH&ĐT xây dựng đề án nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Năm 2030, Việt Nam xây dựng và phát triển 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, cung cấp đội ngũ kỹ sư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. "Đội ngũ kỹ sư người Việt một khi tích lũy đủ năng lực, tự khởi nghiệp, sẽ quay trở lại đầu tư, kinh doanh chip bán dẫn tại Việt Nam", ông Huy kỳ vọng.
NIC cũng đang nghiên cứu đề án phát triển nhân lực cho ngành chip bán dẫn; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn; tổ chức các hội nghị và chương trình kết nối các đối tác ngành bán dẫn trong và ngoài nước. “NIC đã mở rộng quan hệ với nhiều đối tác (Synosyps, Cadence, Nvidia…) triển khai xây dựng trung tâm ươm tạo, thiết kế chip bán dẫn tại cơ sở mới ở Hòa Lạc.
Trong khi đó, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC, nhìn nhận chuỗi giá trị bán dẫn đang có xu hướng đang dịch sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam đặc biệt có lợi thế về mảng thiết kế để đón cơ hội này. Nếu không dần làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi.
Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt về mảng thiết kế. Phó Giám đốc NIC thông tin thêm, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong bán dẫn, vấn đề cần nhất là nhân lực chứ không phải là câu chuyện về thiết bị. Trong chuỗi giá trị bán dẫn (sản xuất, thiết kế và đóng gói), Việt Nam đặc biệt thuận lợi về mảng thiết kế - phân khúc đem lại lợi nhuận lớn nhất.
Ông Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn sản xuất đã có hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động, các tập đoàn chưa có hoạt động tại Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại các khu công nghệ cao TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Ông Trương Gia Bình,
Chủ tịch Tập đoàn FPT
FPT đã nhận được đơn đặt hàng 67 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Khi Việt Nam trở thành trung tâm chip của thế giới thì công việc sẽ rất nhiều. Đây cũng là con đường giúp Việt Nam phồn vinh. Với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nếu được đào tạo có thể làm được con chip ngay ở trong nước.
Ông Nguyễn Anh Thi
Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung vào khâu thiết kế và đóng gói. Khi hai khâu này đủ mạnh sẽ đầu tư vào khâu sản xuất. Chỉ cần chúng ta phát triển một số sản phẩm chiếm lĩnh thị trường thì Việt Nam có thể hình thành các chuỗi giá trị xung quanh và định hình được công nghiệp điện tử. Việt Nam hiện còn thiếu những công ty trong nước có khả năng phát triển sản phẩm chip mang thương hiệu Việt. Muốn làm được điều này cần có cơ sở hạ tầng là các nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử tiên tiến.