Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Ai Cập trong các cơ chế của UNESCO

Chiều 23/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ đã tiếp ông Khaled El-Enany, nguyên Bộ trưởng Du lịch và cổ vật Ai Cập, ứng cử viên cho chức danh Tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2025-2029.

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đón tiếp ông Khaled El-Enany thăm Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và chuẩn bị tới ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Long)

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đón tiếp ông Khaled El-Enany thăm Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và chuẩn bị tới ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Long)

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Ai Cập – quốc gia đối tác quan trọng tại khu vực Trung Đông-châu Phi. Hai bên vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Thứ trưởng nhắc lại các chuyến thăm đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ai Cập, cùng những mối liên hệ thân tình giữa Người với các nhà cách mạng và trí thức tiến bộ của Ai Cập thời kỳ đó. Những cuộc gặp gỡ ấy không chỉ góp phần đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, mà còn phản ánh tầm nhìn rộng mở và tinh thần đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một trong những người tiên phong kêu gọi sự liên kết giữa các quốc gia yêu chuộng hòa bình, độc lập và tự do trên thế giới.

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác song phương như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy giao lưu và hợp tác văn hóa, du lịch giữa các địa phương như Hà Nội – Cairo, Ninh Bình – Luxor; mở rộng hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực Ai Cập có thế mạnh như khảo cổ học, bảo tồn hiện vật, du lịch bền vững… cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại.

Khẳng định Ai Cập luôn coi trọng mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, ông Khaled El-Enany đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên của Ai Cập tại châu Á và bày tỏ nhất trí với các đề xuất tăng cường hợp tác mà Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã nêu.

Việc được đến thăm Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và chuẩn bị tới ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn được người dân Ai Cập đặc biệt kính trọng, theo ông Khaled El-Enany, là một điều hết sức vinh dự. Ông chia sẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của tinh thần độc lập dân tộc và trí tuệ thời đại, hình ảnh Người vẫn luôn được gìn giữ trong trái tim nhiều thế hệ người dân Ai Cập và các nước châu Phi.

Trên cương vị của mình, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là văn hóa, giáo dục và du lịch – những lĩnh vực mà ông có thế mạnh và mong muốn được góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ mong muốn được mở rộng hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực Ai Cập có thế mạnh như khảo cổ học, bảo tồn hiện vật, du lịch bền vững… (Ảnh: Thành Long)

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ mong muốn được mở rộng hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực Ai Cập có thế mạnh như khảo cổ học, bảo tồn hiện vật, du lịch bền vững… (Ảnh: Thành Long)

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Ai Cập tại UNESCO và chia sẻ quan điểm “UNESCO vì con người”

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Ai Cập tại UNESCO, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, giáo dục, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu và thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Liên quan đến việc ứng cử vào chức danh Tổng giám đốc UNESCO, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao tầm nhìn “UNESCO vì con người” mà ông Khaled El-Enany đề xuất – lấy con người làm trung tâm, hướng đến hòa bình, bao trùm, đối thoại, tôn trọng đa dạng văn hóa và phát triển bền vững. Đây cũng là quan điểm phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của UNESCO như một ngôi nhà chung của trí tuệ nhân loại, nơi thúc đẩy hòa bình, hợp tác quốc tế và kết nối các giá trị toàn cầu. Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Ai Cập trong các cơ chế của Tổ chức, hướng tới tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục và đào tạo, giáo dục vì hòa bình, giáo dục xanh, cũng như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Về phần mình, ông Khaled El-Enany bày tỏ niềm vinh dự và xúc động khi lần đầu tiên được đặt chân đến Việt Nam – một quốc gia giàu truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo, có nhiều di sản thế giới được UNESCO ghi danh và một dân tộc thân thiện, hiếu khách. Ông đặc biệt ấn tượng khi được trực tiếp tham quan Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn và Chùa Trấn Quốc – những di tích tiêu biểu phản ánh chiều sâu văn hóa, tâm linh và bản sắc của người Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

Ông đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực, chủ động và có đóng góp nổi bật nhất tại UNESCO, không chỉ trên các cơ chế điều hành then chốt như Hội đồng Chấp hành, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban liên chính phủ Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mà còn trong việc triển khai thực chất các chương trình của UNESCO ở cấp quốc gia và địa phương. Nếu trúng cử, ông mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa UNESCO với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, khoa học, di sản, đổi mới sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa các Ủy ban quốc gia UNESCO, đặc biệt là giữa Ai Cập và Việt Nam – hai quốc gia cùng có nền văn minh lâu đời và đang cùng hướng tới phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa và tri thức.

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ, nguyên Bộ trưởng Khaled El-Enany chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thành Long)

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ, nguyên Bộ trưởng Khaled El-Enany chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thành Long)

Cuộc bầu cử Tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2025-2029 dự kiến diễn ra tại Kỳ họp lần thứ 222 của Hội đồng Chấp hành UNESCO vào tháng 10/2025 tại Pháp. Kết quả bầu cử sẽ được trình lên Đại hội đồng UNESCO để chính thức phê chuẩn tại Kỳ họp lần thứ 43, dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2025 tại Uzbekistan. Việt Nam hiện là một trong 58 quốc gia thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO và có quyền tham gia bỏ phiếu lựa chọn Tổng giám đốc mới của Tổ chức.

Thành Long

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-san-sang-phoi-hop-chat-che-voi-ai-cap-trong-cac-co-che-cua-unesco-312118.html