Việt Nam sau 20 năm nữa: Khi lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế

Các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước đều đánh giá, Việt Nam có nhiều thế mạnh trong việc thu hút FDI, đơn cử như lực lượng lao động dồi dào, trẻ và có giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, trong 20 năm tới, lợi thế này sẽ không còn.

“Bước nhảy vọt” của Việt Nam trong thu hút FDI

Kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới (năm 1986), dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “đổ” vào Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường có môi trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực châu Á và thế giới.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1986, Việt Nam thu hút vốn FDI tương đối khiêm tốn, khoảng 4,07 triệu USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN và thứ 136/160 trên thế giới.

Sang năm 1992, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực và xếp thứ 5/10 các quốc gia trong khối ASEAN. Lúc này, Việt Nam thu hút được khoảng 174 triệu USD.

Đến năm 1994, Việt Nam nhảy thêm một bậc nữa trong bảng xếp hạng, xếp thứ 4/10 trong khối ASEAN. Cụ thể, dòng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam cán mốc 1,94 tỷ USD vào năm 1994.

Đến năm 2001, dòng vốn FDI vào Việt Nam lần đầu tiên xếp thứ 3/6 trong bảng xếp hạng với vốn FDI đạt 1,3 tỷ USD, xếp sau Singapore với 17,01 tỷ USD và Thái Lan với 5,07 tỷ USD.

Năm 2022, Việt Nam thu hút được khoảng 19 tỷ USD, xếp thứ 3/10 trong khối ASEAN và thứ 28 trên thế giới. Từ năm 2015 - 2022, Việt Nam liên tục giữ vững vị trí thứ 3/10 trong bảng xếp hạng quốc gia thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN.

Trong một báo cáo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, từ năm 1987, môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam dần trở nên hấp dẫn nhà đầu tư do chi phí đầu tư - kinh doanh thấp so với một số nước trong khu vực, lực lượng lao động dồi dào, trẻ với giá nhân công rẻ, thị trường mới. Nhờ đó, đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhanh chóng, có tác động lan tỏa tới các thành phần kinh tế khác và đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Như vậy, trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam nhảy từ vị trí thứ 136 lên thứ 28, nhảy 108 bậc trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới. Cùng với đó, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng hơn 6.000 lần trong giai đoạn 1986 - 2022.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2022, thực chất tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD.

Sang năm 2023, vốn FDI tiếp tục tăng. Cụ thể, vốn FDI đăng ký đạt 36,63 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng FDI “chảy” vào Việt Nam cũng được cải thiện qua từng năm. Vừa qua, rất nhiều “ông lớn” trong các ngành chế biến, chế tạo, công nghệ bán dẫn,... đã lựa chọn Việt Nam để “xây tổ” với tổng giá trị lên tới hàng tỷ USD.

Khi lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế

Các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước đều đánh giá, Việt Nam có nhiều thế mạnh trong việc thu hút FDI, như: Tình hình an ninh, chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi lực lượng lao động dồi dào, thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập.

Tuy nhiên, trong giai đoạn bắt đầu Đổi mới, một trong những yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI đó là lực lượng lao động dồi dào, trẻ và giá nhân công rẻ. Vì vậy, trong giai này, các dự án FDI tại Việt Nam đa phần là các ngành sử dụng nhiều lao động, như dệt may và da giày. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất đi lợi thế này.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, bình quân 6%/năm. Do đó, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đang tăng lên, tầng lớp trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều.

 Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “đổ” vào Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: VV

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “đổ” vào Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: VV

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dữ liệu FDI các nước trên thế giới do WB báo cáo thường khác với các báo cáo khác vì sự khác biệt về nguồn, cách phân loại nền kinh tế, phương pháp được sử dụng để điều chỉnh và phân tách thông tin được báo cáo. Do đó, dữ liệu về dòng vốn FDI vào các nước của WB sẽ khác so với dữ liệu Tổng cục Thống kê các nước công bố.

Tại khu vực châu Á, một số quốc gia có giá nhân công rẻ hơn, đông đảo hơn Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt trong “cuộc đua” hút FDI, như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Indonesia.

Một báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới đây đã chỉ ra rằng: Thu nhập ngành dệt may Việt Nam năm 2023 đạt 330 USD/thùng, chỉ thấp hơn Trung Quốc với 420 USD/thùng. Mức thu nhập này cao gấp 3 lần so với Bangladesh, gấp trên 2 lần so với Ấn Độ và gấp 1,8 lần so với Campuchia.

Thứ hai, trong 20 - 30 năm nữa, Việt Nam sẽ qua giai đoạn “dân số vàng” và phải đối mặt với tình trạng dân số già. Quá trình này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của nhà đầu tư FDI.

Thứ ba, năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực châu Á, chưa bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore. Đồng thời, lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ chưa cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho biết: Ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ, Bangladesh, có giá nhân công rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Trong khi đó, Indonesia có giá nhân công tương đương, nhưng lực lượng của họ đông hơn, trình độ cũng cao hơn.

Dựa trên các lý thuyết kinh tế, rõ ràng các doanh nghiệp FDI sẽ lựa chọn các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn, đông hơn để tối ưu hóa lợi nhuận. Và nếu chỉ xét dưới góc độ nhân công giá rẻ, Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia có lợi thế hơn chúng ta. Do đó, trong thời gian tới, nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế của Việt Nam” - ông Thế Anh nói.

Về vấn đề già hóa dân số, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng: Không phải 20 năm, hay 30 năm nữa, mà chỉ trong 10 năm nữa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng dân số già.

Vì vậy, trong thời gần đây, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách mới nhằm tăng tỷ lệ sinh. Đơn cử, Chính phủ có chính sách khuyến khích công dân kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con. Thậm chí, ở nhiều địa phương còn có chính sách thưởng tiền, hoặc ưu tiên mua nhà ở xã hội khi sinh đủ 2 con. Các giải pháp này được kỳ vọng kìm hãm tốc độ già hóa dân số, khiến quá trình này diễn ra muộn hơn.

Liên quan tới năng suất và trình độ lao động, PGS.TS. Phạm Thế Anh đánh giá: Nhìn chung, chất lượng, kỹ năng và tay nghề của lao động Việt Nam vẫn đang nằm ở mức thấp, hoặc trung bình. Ngược lại, số lượng lao động có trình độ tay nghề cao, kỹ năng cao lại rất thấp, thậm chí là khan hiếm.

Nếu chúng ta không cải thiện chất lượng lao động, thời gian tới, Việt Nam chỉ có thể thu hút các dự án FDI có chất lượng thấp, sử dụng lao động phổ thông với trình độ tay nghề không cao. Như vậy, giá trị đóng góp của các dự án này vào nền kinh tế sẽ không đáng kể” - ông Thế Anh bày tỏ quan điểm.

Thời gian gần đây, Việt Nam tỏ rõ quyết tâm sẽ chọn lọc vốn FDI, thay vì thu hút ồ ạt như trước. Trong đó, Việt Nam sẽ ưu tiên lựa chọn vốn FDI chất lượng cao trong các ngành chế biến chế tạo, tự động hóa, bán dẫn, AI, điện tử - viễn thông.... Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam trong giai đoạn tới.

“Muốn thu hút FDI chất lượng cao bắt buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nhưng tôi nhận thấy rằng, quá trình nâng cao chất lượng lao động của Việt Nam đang diễn ra chậm. Mấy chục năm nay, chúng ta bàn về vấn đề này rất nhiều, đưa ra cũng vô vàn các giải pháp khác nhau, nhưng tới nay vẫn thiếu” - PGS.TS. Phạm Thế Anh bày tỏ quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS. Đặng Đình Đào - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng: Hiện nay Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng giai đoạn này sẽ không kéo dài lâu.

Trong dài hạn, trước khi đối mặt với tình trạng già hóa dân số, Việt Nam phải thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Và muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Hiện tại, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, nổi bật nhất trong số đó là chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ, các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp vừa và nhỏ,...

Bên cạnh các giải pháp từ Nhà nước, các trường Đại học cũng căn cứ vào tình hình thực thế, căn cứ vào nhu cầu lao động trong nước để mở các chuyên ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-sau-20-nam-nua-khi-lao-dong-gia-re-se-khong-con-la-loi-the-post309806.html