Việt Nam sẽ có 2 Air Logistics HUB tầm cỡ Đông Nam Á
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL Trần Tuấn Anh đã có bài phát biểu đáng chú ý tại Hội nghị và Triển lãm 'Air Freight Logistics Vietnam'.
Hội nghị và Triển lãm “Air Freight Logistics Vietnam” lần thứ 4 - 2019 vừa diễn ra thành công ở TP.HCM.
Trao đổi chuyên sâu cùng phóng viên báo Giao thông, ông Trần Tuấn Anh đã đưa ra những phân tích sắc sảo về cơ hội hình thành các Air Logistics HUB (Trung tâm Logistics hàng không) tầm cỡ Đông Nam Á tại VN trong tương lai gần.
- Thưa ông, vì sao VN được đánh giá có nhiều cơ hội vàng để trở thành Air Logistics HUB của Đông Nam Á?
Ông Trần Tuấn Anh: Trong bối cảnh sụt giảm chung của thị trường thế giới, vận tải hàng không quốc tế của VN vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 11% trong 7 tháng đầu năm. Riêng thị trường vận tải hàng không nội địa năm 2018 tăng 134% so với năm 2017. Ngoài ra, GDP tăng hơn 7% trong năm 2018 giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và vận tải hàng không. VN tham gia ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do, bên cạnh hiệp định CPTPP và mới đây là EVFTA, sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của VN tăng mạnh. Song song đó, chúng ta hiện là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu trong khu vực về may mặc, giày da, đồ gỗ, điện tử, thủy sản, nông sản… Với nền tảng sản xuất này thì các chuỗi cung ứng trong khu vực sẽ lựa chọn VN là điểm trung chuyển, thu gom hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Đó là những lợi thế rất lớn để chúng ta trở thành Trung tâm Logistics hàng không tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á.
- Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam trong tiến trình trở thành Air Logistics HUB của khu vực, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Anh: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giúp VN trở thành tâm điểm lựa chọn của các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tầm cỡ. Trên thực tế, thời gian qua, các hãng lớn như Google, Nintendo, Lenovo, Sharp, TCL Brook Sport… đã lên kế hoạch triển khai hoạt động sản xuất tại VN. Rõ ràng, sự dịch chuyển tích cực của nguồn khách hàng lớn này tạo ra nhu cầu ổn định cho tiến trình hình thành nên các Air Logistics HUB tại VN. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà đầu tư khác sẽ tiếp tục chọn chúng ta mà không phải là Thái Lan hay Singapore.
- Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để thuyết phục khách hàng chọn VN chứ không phải các nước khác trong khu vực?
Ông Trần Tuấn Anh: Chúng ta vừa cạnh tranh nhưng cũng vừa học hỏi những kinh nghiệm của họ, đồng thời phải tăng cường liên kết với những thị trường logistics tầm cỡ khác của châu Á, chẳng hạn như Hồng Kông, để cải thiện những mặt chúng ta còn hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng và công nghệ. Hồng Kông cũng rất muốn hợp tác, liên kết với VN khi chúng ta đang trở thành địa điểm chiến lược trong sự chọn lựa của các nhà đầu tư. Yếu tố quan trọng nhất để phát triển thành một Logistics HUB chính là dữ liệu khách hàng. Chúng ta cần phải coi khách hàng là trọng tâm để có thể cung cấp giải pháp tối ưu cho khách hàng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh.
- Ông có thể dự báo về số lượng Air Logistics HUB sẽ có ở Việt Nam? Và những thách thức mà VN phải vượt qua trong nỗ lực trở thành Air Logistics HUB của khu vực là gì?
Ông Trần Tuấn Anh: Theo đánh giá của tôi dựa trên các thống kê và tiềm năng cụ thể thì VN sẽ có 2 Air Logistics HUB, đầu tiên là tại Hà Nội và sau đó là TP.HCM.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các lợi thế khác tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức cần giải quyết ngay. Điều tôi lo ngại nhất là thị trường tăng trưởng nhưng các cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, và đây là bài toán không thể giải quyết trong vài năm. Chẳng hạn, sân bay Tân Sơn Nhất và kho hàng hóa như hiện tại liệu có đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của vận tải hàng không tại TP.HCM?
Những thách thức này đòi hỏi cả Nhà nước và doanh nghiệp cùng có chiến lược đúng đắn, rõ ràng, trong đó phải kể đến vai trò, đóng góp của các đơn vị logistics hàng đầu. Mục tiêu đặt ra là để các doanh nghiệp logistics VN có thể tham gia vào chuỗi giá trị logistics toàn cầu.
- Như vậy, ITL đã có chiến lược gì để đón đầu cơ hội và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận vào chuỗi giá trị logistics khu vực cũng như thế giới, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Anh: Nhiều năm qua, ITL liên tục thay đổi về công nghệ và đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các đơn vị hàng đầu trong ngành logistics, nhằm gia tăng hiệu quả và tận dụng nguồn lực các doanh nghiệp, giảm chi phí logistics cho nền kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa phát triển kinh doanh ra thị trường quốc tế bằng các dịch vụ logistics tích hợp, gồm đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt, vận tải đa phương thức và hệ thống kho bãi, khai thuê hải quan, nhân sự chuyên gia trong ngành... trên nền tảng công nghệ tiên tiến và am hiểu văn hóa thị trường nội địa.
Chúng tôi đã xây dựng nền tảng vững chắc về hạ tầng vận tải và giải pháp logistics toàn diện trong chuỗi giá trị, nhất là hậu cần vận tải hàng không. Hiện nay, ITL là một trong những đơn vị dẫn đầu về dịch vụ hàng không tại Đông Dương, là đại diện của hơn 22 hãng hàng không, khai thác hàng hóa cho hơn 300 chuyến bay mỗi tuần.
Chúng tôi còn đẩy mạnh liên doanh và liên kết với nhiều doanh nghiệp logistics đa quốc gia như: Keppel Telecommunication & Transportation, Ceva Logistics, Mitsubishi Logistics, UPS Supply Chain..., cung cấp các dịch vụ và giải pháp logistics cho khách hàng toàn cầu.
- Vâng, xin cảm ơn ông!
12 năm liên tiếp, ITL có mặt trong Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất VN và 3 năm liên tiếp trong Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất VN. Với chiến lược tập trung, kiên định một mục tiêu đón đầu cơ hội, ITL đang hướng đến tầm nhìn trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành công nghiệp vận tải của khu vực.