Việt Nam sẽ gia nhập Công ước Xóa bỏ cưỡng bức lao động

Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc.

Tại phiên họp chiều 20/5, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch nước đọc tờ trình về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường làm việc hài hòa, ổn định, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (Công ước số 105) là một trong tám công ước cơ bản của ILO, là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bở lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến tháng 2 năm 2020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này.

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105, theo tờ trình, là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội. Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động.

Người sử dụng lao động được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tương tự, Nhà nước và xã hội cũng được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, từ đó góp phần ổn định và phát triến kinh tế - xã hội.

“Việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu” - tờ trình nêu rõ và cho rằng đây là lợi ích lớn có được từ việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra

Để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tố chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội.

Việc này cũng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

“Thời gian qua hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam” – ông Giàu nhận định.

Đánh giá cụ thể hơn, ông Giàu cho biết, việc gia nhập Công ước số 105 của ILO có tác động tích cực về chính trị, đối ngoại, đồng thời góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng, giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó.

Tuy nhiên, ông Giàu lưu ý, việc gia nhập Công ước số 105 sẽ gặp phải một số thách thức nhất định, như năng lực của người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức còn hạn chế.

Qua rà soát, ông Giàu khẳng định, các quy định của Công ước số 105 phù hợp với các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó không đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nói trên để thực hiện Công ước này.

Dù vậy, có ý kiến từ cơ quan thẩm tra cho rằng, để việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có hiệu quả và có tính khả thi cao, Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, tạo hành lang pháp lý minh bạch giúp cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lao động hay doanh nghiệp phát hiện nhanh chóng tình trạng lao động cưỡng bức.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì sớm nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số, hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát tổng thể đối với việc thực thi hệ thống các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai việc thực thi Công ước…

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/viet-nam-se-gia-nhap-cong-uoc-xoa-bo-cuong-buc-lao-dong_92992.html