Việt Nam - Singapore có nhiều cơ hội phát triển bứt phá hệ sinh thái khởi nghiệp
'Việt Nam và Singapore có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển bứt phá hệ sinh thái khởi nghiệp của hai nước. Cùng với những bước tiến vượt bậc trong hợp tác kinh tế-thương mại, hệ sinh thái khởi nghiệp đã trở thành những điểm sáng nổi bật của quan hệ song phương'.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam đã khẳng định như vậy khi nhìn lại chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973-1/8/2023) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (9/2012-9/2023) Việt Nam-Singapore.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã nhấn mạnh “quan hệ hợp tác Việt Nam-Singapore sẽ tạo đà cho tương lai hai nước”. Dịp này, PV VOV phòng vấn Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam để làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Singapore và Việt Nam. Đại sứ đánh giá thế nào về những dấu mốc và thành tựu mà 2 nước đạt được trong 50 năm qua?
Đại sứ Jaya Ratnam: Tôi rất vui khi được chia sẻ suy nghĩ về quan hệ Việt Nam - Singapore nhân dịp quan trọng này. Nhìn lại nửa thế kỷ qua, hai bên đã chứng kiến rất nhiều thay đổi quan trọng. Đối với quan hệ song phương, những thay đổi này không chỉ giúp củng cố nhu cầu hợp tác mà còn tìm ra những cách thức mới để hai nước hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hai nước có nền tảng quan điểm chung về nhiều vấn đề. Chúng ta đều nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau để duy trì hòa bình và ổn định, đặc biệt khi khu vực và toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi xung đột và chia rẽ.
Tất nhiên, điều kiện của hai nước cũng có những khác biệt. Việt Nam giờ là đất nước 100 triệu dân, còn Singapore là một quốc gia khiêm tốn với hơn 5 triệu dân. Nhưng điều đó cho thấy, chúng ta có thể bổ sung cho nhau bằng nhiều cách, vì lợi ích chung. Tôi cho rằng, mối quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ nhờ các nguyên tắc quan trọng về sự tin tưởng, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau.
Để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, hai bên đã trao đổi các chuyến thăm cấp nhà nước từ năm ngoái. Năm nay, chúng ta có các chuyến thăm trao đổi của Thủ tướng hai nước. Tháng 2 đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Singapore; trong khi Thủ tướng Singapore vừa có chuyến thăm quan trọng đến Việt Nam. Những nền tảng vững chắc, các đoàn trao đổi cấp cao như vậy đã và đang tạo nên đà hợp tác rộng mở, bền vững, hướng tới cùng nhau giải quyết những thách thức mới hiện nay.
PV: Quan hệ thương mại giữa Singapore và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và hai nước là thành viên của một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Đâu là động lực chính của quan hệ thương mại song phương giữa hai nước thời gian tới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Jaya Ratnam: Có thể khẳng định, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước thời gian qua rất mạnh mẽ và thực chất. Điều này được thể hiện qua các con số tăng trưởng đều đặn, dựa trên sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam và những cơ hội to lớn mà thị trường năng động của các bạn mang lại. Thương mại song phương hai nước đã tăng 16,4% - đạt 31,3 tỷ USD vào năm 2022. Về đầu tư, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam với khoản đầu tư lũy kế là 70 tỷ USD tính đến cuối năm 2020. Mới đây tại Việt Nam đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực Singapore. Đây là lần đầu tiên sự kiện này diễn ra bên ngoài Singapore, với sự góp mặt của 420 công ty cùng hơn 500 khách mời. Số lượng người tham gia đông đảo thể hiện sự quan tâm đặc biệt cũng như niềm tin của giới doanh nghiệp vào môi trường đầu tư và tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.
Nhân chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 2 năm nay, hai bên cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh và Kỹ thuật số, nhằm tăng cường hợp tác trong hai lĩnh vực mới nổi quan trọng này. Về vấn đề này, có ba lĩnh vực mà hai nước kỳ vọng có thể tập trung phát triển.
Thứ nhất về đổi mới sáng tạo, Singapore và Việt Nam nằm trong 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, là điều kiện rất tốt để hai bên có thể hỗ trợ và khai thác hệ sinh thái đổi mới của nhau để thu hút tài trợ và tiềm năng của đối tác. Một trong những dự án nổi bật là Block71 Saigon - sáng kiến hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore và Becamex IDC Việt Nam, với hơn 1.000 công ty khởi nghiệp kể từ năm 2011 đến nay. Đây được đánh giá là cửa ngõ kết nối cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam với bản đồ khởi nghiệp thế giới. Tháng 12/2022, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về nhóm công tác đổi mới để kết nối hai hệ sinh thái khởi nghiệp giữa hai nước. Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam cũng ký các biên bản ghi nhớ với một số học viện, đại học, các công ty lớn của Singapore trong vấn đề này.
Lĩnh vực thứ hai mà hai nước kỳ vọng tăng tốc phát triển là kết nối về kinh tế. Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung hướng tới đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050. Đây là động lực để hai bên mở rộng quy mô các dự án năng lượng tái tạo, phát triển lưới điện khu vực. Với mục tiêu này, Singapore và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng vào tháng 10/2022, nhằm hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong phát triển năng lượng tái tạo, thị trường điện và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, tiết kiệm năng lượng.
Thứ ba là tính bền vững. Hai nước cần đẩy nhanh các kế hoạch hành động khí hậu để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, thị trường carbon có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình khử carbon của các quốc gia. Nhìn lại tháng 10/2022, Singapore và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về tín chỉ carbon. Bước đi này giúp cho Việt Nam và Singapore có được vị thế thuận lợi có thể nắm bắt cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon. Hai bên sẽ thúc đẩy triển khai các dự án trong lĩnh vực này thời gian tới, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon trong khu vực.
PV: Singapore là một trong những thành viên quan trọng của ASEAN cũng như tại các diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế. Vậy Việt Nam và Singapore có thể phối hợp như thế nào để nâng cao vai trò và tiếng nói của hai nước trên các diễn đàn đa phương, cùng nhau góp phần giải quyết các vấn đề nóng toàn cầu?
Đại sứ Jaya Ratnam: Singapore và Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong vấn đề này, bởi hai nước chia sẻ các nguyên tắc chung. Hai nước cùng tin tưởng vững chắc vào cơ chế ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN. Hai bên tôn trọng và theo đuổi trật tự khu vực và toàn cầu dựa trên luật lệ, không chỉ về quản trị hòa bình và an ninh, mà còn về quản lý thương mại và đầu tư quốc tế. Những nguyên tắc này là cơ sở để hai nước hợp tác song phương cũng như trong các diễn đàn đa phương một cách hiệu quả - như ASEAN, Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… hay các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP)...
Singapore và Việt Nam chỉ có thể phát triển ổn định khi trật tự khu vực và toàn cầu được đảm bảo. Trật tự đó cần được củng cố và duy trì bởi các quy định, luật lệ rõ ràng. Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, chúng ta nhận thấy rằng, trật tự dựa trên luật lệ này đang bị thách thức bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay chủ nghĩa bảo hộ... Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, hai nước cần hợp tác chặt chẽ để củng cố trật tự dựa trên luật lệ, vì sự phát triển và thịnh vượng của khu vực cũng như toàn cầu.
PV: Cám ơn Đại sứ với cuộc trao đổi này!.