Việt Nam tăng cường giám sát COVID-19 từ các cửa khẩu

Từ cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế về giám sát và đáp ứng dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: Việt Nam tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm từ các cửa khẩu để làm giải trình tự gen nhằm đánh giá nguy cơ.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay, tuy nhiên cần tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về làm giải trình tự gen để đánh giá nguy cơ. Mặt khác, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Duy trì kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu

Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8/1 là mốc thời gian thương mại và du lịch liên quan đến các cửa khẩu đón đợi. Tuy nhiên, điều lo ngại là cùng với cơ hội, nguy cơ về dịch bệnh xâm nhập một lần nữa lại hiện hữu.

Về sự kiện này, các chuyên gia y tế đánh giá, việc khách du lịch Trung Quốc bùng nổ khả năng đi du lịch nước ngoài có thể khiến các quốc gia khác gia tăng số ca mắc COVID-19 như trường hợp của nhiều nước Châu Âu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, làn sóng COVID-19 mới xâm nhập ít khả năng làm nguy cơ bùng phát dịch do đã có miễn dịch.

Hiện nay, Việt Nam đã bãi bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ rất lâu và hiện kiểm soát dịch tốt. Nhiều tỉnh biên giới đã dỡ bỏ các chốt kiểm dịch hoàn toàn từ tháng 12/2022 và trước đó để tiến hành hồi phục lại đời sống và nền kinh tế.

Ứng phó với tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Đặc biệt ngay từ đầu tháng 1/2023 các tỉnh, thành phố đang tiêm phòng chậm, tỉ lệ thấp phải hoàn thành gấp. Các địa phương này tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2023 để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm COVID-19 các chủng mới và các loại dịch bệnh khác.

Tỉ lệ tiêm chủng vacine tại Việt Nam cao so với nhiều nước trên thế giới

Tại cuộc họp về giám sát và đáp ứng dịch bệnh của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế được tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định trước sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng, chống dịch COVID-19, chính sách đối với người nhập cảnh, Việt Nam cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, không bị động trong tình hình mới.

"Bên cạnh tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay, cần tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về các viện/bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gene để đánh giá nguy cơ. Các tỉnh, thành phố có cửa khẩu, tăng cường lấy mẫu giám sát tại cộng đồng, tăng cường rà soát lại hệ thống điều trị, rà soát lại hệ thống lưu trú trên địa bàn để phục vụ hành khách nhập cảnh," Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Sở Y tế các địa phương, nhất là địa phương có cửa khẩu cần tiếp tục thực hiện nghiêm các hoạt động kiểm dịch y tế quy định tại Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị tăng cường công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để hành khách nhập cảnh chủ động thông báo tình hình sức khỏe và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

"Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp, cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung, quy mô lớn để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gene," lãnh đạo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế về giám sát và đáp ứng dịch bệnh. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế về giám sát và đáp ứng dịch bệnh. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Y tế

Trước đó, tại Chỉ thị 06/CT-BYT về tăng cường công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ trưởng Y tế yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh.

Chỉ thị nêu rõ: "Phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế."

Đồng thời, Bộ trưởng Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm; tăng cường giám sát tại cửa khẩu, các chuyến bay, đoàn tàu, các khu dịch vụ của cảng hàng không, nhà ga, bến xe, khu vực công cộng khác và trong các cơ sở y tế; phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh; chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tố nguy cơ gây dịch.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, thiết bị, ôxy y tế, phương tiện cấp cứu để chủ động đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống điều trị người bệnh COVID-19.

Bộ Y tế đánh giá, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn cơ bản đang kiểm soát, tỷ lệ mắc mới, bệnh nhân nặng và ca tử vong thời gian qua đều giảm, tỉ lệ tiêm chủng vacine tại Việt Nam cao so với nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine chung của cả nước cao, với hơn 265,5 triệu liều, gần 80% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 3, nhưng hiện vẫn có một số địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, cho trẻ thấp.

Thụy Văn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nam-tang-cuong-giam-sat-covid-19-tu-cac-cua-khau-179230104093047107.htm