Việt Nam tăng tốc đón 'sóng' FDI, lối đi nào cho các doanh nghiệp nội địa?
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam trong năm qua và dự báo nhiều triển vọng cho năm nay. Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp nội địa tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp đa quốc gia vẫn là bài toán hóc búa.
Điểm sáng đầu năm
Ngay trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, hàng loạt dự án FDI có vốn đầu tư lớn đã “đổ bộ” vào Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt hơn 2 tỷ USD.
Có thể kể đến Dự án 30 triệu USD do công ty Singapore Lioncore Industries làm chủ đầu tư vừa được trao giấy chứng nhận vào ngày 5/2. Tại Hải Phòng, thành phố này cũng vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án LG Display Hải Phòng với số vốn 750 triệu USD để mở rộng sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, màn hình LCD...
Trong tháng 1/2021, Bắc Giang cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho bốn dự án lớn, trong đó có Dự án nhà máy Fukang Technology cho đại diện Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd tại khu công nghiệp Quang Châu, với vốn đăng ký đầu tư 270 triệu USD. Đây là một trong những nhà máy sản xuất iPhone, iPad, MacBook cho Apple với quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.
Một trong những dự án tỷ USD “xông đất” Việt Nam là Nhiệt điện Ô Môn II. Dự án có công suất thiết kế 1.050MW, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, do liên danh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) thực hiện.
Theo thống kê, các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,54 tỷ USD, chiếm 76,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây là các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư theo Nghị quyết 50-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành vào tháng 8/2019.
Trao đổi với TG&VN đầu năm Tân Sửu, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, không chỉ với Samsung, mà các nhà đầu tư FDI nói chung đều nhận thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam ổn định hơn so với các nơi khác. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị tốt về hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, rút gọn các thủ tục hành chính, giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh… trong thời gian qua đã rút ngắn kế hoạch triển khai đầu tư của các doanh nghiệp.
Cùng với thành công của Việt Nam trong khống chế dịch Covid-19 và ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, là cơ sở để ông Choi Joo Ho tin tưởng, xu hướng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fullbright dự báo năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khả quan, do sự dịch chuyển đầu tư của chuỗi cung ứng các ngành logistics, ngành thực phẩm chế biến…
Để sự cộng sinh phát huy hiệu quả
Để chuẩn bị đón sóng đầu tư mới, ngay từ năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định lập tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” đến Việt Nam, tức là đón những dự án từ các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Việt Nam cũng cam kết sẽ tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đổi mới đồng bộ nền kinh tế, phát triển kinh tế số… để cùng các nhà đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tận dụng dòng FDI mới vào đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và chắc chắn trong giai đoạn tới, Chính phủ cũng cần tích cực và khẩn trương xúc tiến các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa. Bởi lẽ, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ có khoảng 15% các doanh nghiệp tư nhân được điều tra là nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Nói cách khác, doanh nghiệp nội địa chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp đa quốc gia.
Giáo sư Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, lý do chủ yếu vì doanh nghiệp trong nước quá yếu, không đủ năng lực và tiềm năng để doanh nghiệp FDI chọn làm đối tác.
Các doanh nghiệp FDI thường tìm những doanh nghiệp nội địa có tiềm năng để chuyển giao công nghệ, mục đích để cung cấp cho họ những sản phẩm trung gian đủ chất lượng với giá thành phù hợp.
Nhưng tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nhà nước phần lớn hoạt động trong các ngành công nghiệp nặng, dịch vụ, tài chính,... còn doanh nghiệp tư nhân thì hầu hết quá nhỏ, manh mún.
Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước tiếp cận được vốn và đất đầu tư, tháo gỡ các rào cản về hành chính, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ... để họ có thể trở thành đối tác của các dự án FDI mới.
Mặt khác, khu vực FDI chiếm tới 20% GDP, khoảng 50% sản xuất công nghiệp và khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Tức là kinh tế Việt đã cộng sinh vào FDI ở mức độ rất cao, cần phải chọn lựa những dự án thật cần thiết.
Nếu để làn sóng FDI vào Việt Nam một cách tự phát thì có thể gây ra một số bất lợi. FDI từ ngành nào cũng cho phép vào thì sẽ gây ra sự cạnh tranh không cần thiết đối với doanh nghiệp trong nước.
Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn cung cấp khác như điện lực, nước, đất đai... có giới hạn, không thể tăng nhiều trong thời gian ngắn, do đó nếu để các dự án FDI kém chất lượng vào nhiều sẽ làm hạn chế FDI ở những lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên.
Trong nhiều năm qua, phần lớn các dự án FDI vào Việt Nam chỉ tập trung ở các khâu gia công lắp ráp đơn giản, nên nhu cầu nguồn nhân lực chỉ dừng lại ở lao động phổ thông.
Vì vậy, để đón được làn sóng đầu tư công nghệ cao đang dịch chuyển, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần tính ngay đến một chiến lược phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao.