Việt Nam tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch để doanh nghiệp đầu tư ổn định, lâu dài
Chiều 14/5, tại Hưng Yên, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc, tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị 'Gặp gỡ Hàn Quốc'. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu tại hội nghị. Cùng dự có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố phía bắc và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc".
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc" có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu 10 năm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), 10 năm tổ chức chuỗi sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc tại Việt Nam".
Đây cũng là năm Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng trưởng bứt phá, khát vọng chuyển mình để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược, năm 2025, tăng trưởng đạt 8%, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo nhịp để đạt tăng trưởng hai con số những năm tiếp theo; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Việt Nam đang tràn đầy khát vọng và quyết tâm bước vào một Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, trên tinh thần "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh” để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Chính phủ Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quản trị thông minh, tiến hành cách mạng về tổ chức bộ máy, giảm khâu trung gian, xóa bỏ cơ chế xin cho, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ giải quyết các vướng mắc để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ổn định và lâu dài tại Việt Nam.

Lễ ký kết hợp tác đầu tư doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc.
Đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 10.128 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 92 tỷ USD; đứng thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; và đứng thứ ba về hợp tác thương mại.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.
Hai nước đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam mong muốn các địa phương của Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và có nhiều chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đại sứ cam kết sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư tại Việt Nam, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những đối tác lớn nhất của Hưng Yên.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi thảo luận các nội dung về thúc đẩy thương mại và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc; đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thảo luận thúc đẩy thương mại và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc trong kỷ nguyên mới.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ, tỉnh Hưng Yên có vị trí thuận lợi, nằm sát thủ đô Hà Nội, ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trong tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh nên có nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh hiệu quả.
Phát huy tiềm năng và lợi thế, những năm qua, tỉnh Hưng Yên không ngừng nỗ lực đổi mới toàn diện, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nâng cao tiềm lực của địa phương.
Đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Hưng Yên với Hàn Quốc năm 2024 đạt 1,945 tỷ USD, chiếm 14,45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Tỉnh Hưng Yên hiện có 560 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 8,7 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng thứ 2 về số dự án với 162 dự án và vốn đầu tư với 1,46 tỷ USD.
Ông Han Jongdeok, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp VTK Hưng Yên cho biết: Trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, công ty luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, nhất là của Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh. Họ luôn lắng nghe, tạo điều kiện giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.