Việt Nam tham dự Diễn đàn Rà soát di cư quốc tế lần thứ nhất

Diễn đàn Rà soát di cư quốc tế (IMRF) lần thứ nhất đã diễn ra từ ngày 17-20/5 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm rà soát kết quả triển khai thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu và xác định ưu tiên trong 4 năm tiếp theo.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Phiên thảo luận chung.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Phiên thảo luận chung.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang làm Trưởng đoàn tham dự cùng với 126 đoàn các nước.

Phát biểu khai mạc, ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tái khẳng định Thỏa thuận GCM là thành tựu to lớn khi lần đầu tiên thiết lập một khuôn khổ hợp tác toàn cầu duy nhất và toàn diện về di cư; coi trọng vai trò của người di cư đối với phát triển bền vững và cho rằng không thể có những tiến bộ trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững nếu không tính đến họ.

Ông Abdulla Shahid chia sẻ những rủi ro và khó khăn mà người di cư phải đối mặt trong dịch bệnh, như mất việc làm, dễ bị phân biệt đối xử, khó tiếp cận với điều trị và vaccine...

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi cần có nỗ lực thống nhất để hỗ trợ lẫn nhau và cùng tìm điểm tương đồng nhằm củng cố hợp tác quốc tế, hướng đến định hình một hệ thống di cư toàn cầu công bằng và nhân đạo, có lợi cho tất cả mọi người, bao gồm người di cư.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị cần ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, bảo vệ tốt hơn người di cư trong tình huống khủng hoảng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, mở rộng và tăng cường các kênh di cư dựa trên quyền nhằm thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết sự thiếu hụt của thị trường lao động.

Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã cho thấy quản trị di cư thế giới còn chưa đảm bảo quyền của người di cư, nhạy cảm với trẻ em và đáp ứng giới, do đó cần có chuẩn bị tốt hơn nữa, thông qua các cam kết hành động tin cậy, tham vọng và có thể thực hiện được cũng như cơ chế mạnh mẽ để theo dõi, đánh giá việc triển khai.

Phát biểu tại Phiên thảo luận chung, Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của di cư trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng bao trùm trên toàn cầu, đồng thời chỉ ra các thách thức trong quá trình triển khai Thỏa thuận GCM bao gồm: quyền của người di cư bị xâm phạm, nguy cơ mua bán người, đưa người di cư trái phép ngày càng tăng, thiếu nguồn lực triển khai và đặc biệt là những tác động của đại dịch của Covid-19 đối với người di cư.

Trong thời gian tới, để vượt qua các thách thức và triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM, cần tăng cường đối tác toàn cầu để huy động nguồn lực, tập trung vào các vấn đề ưu tiên và mới nổi, đảm bảo tính chắc chắn và tính dễ dự đoán của các kênh di cư hợp pháp và an toàn; đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Trong quá trình đó, Mạng lưới di cư của Liên hợp quốc nên chủ động hơn trong việc hỗ trợ nỗ lực triển khai ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương, phù hợp với hoàn cảnh và ưu tiên của từng quốc gia và từng khu vực, tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực như ASEAN nhằm thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác mới vì nền quản trị di cư toàn cầu hiệu quả hơn.

Khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng đã chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM như đã ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM vào tháng 3/2020 và hiện đang triển khai rộng khắp nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý di cư quốc tế.

Cung cấp tiếp cận dịch vụ cơ bản cho người di cư, trong đó đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo cung cấp tiếp cận công bằng như đối với công dân Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, hình thức cư trú, việc làm.

Theo quy định, Diễn đàn IMRF được tổ chức định kỳ 4 năm dưới sự bảo trợ của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức sau hơn 3 năm Thỏa thuận GCM được thông qua vào tháng 12/2018 là cột mốc quan trọng trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của Thỏa thuận GCM, dựa trên hành động tập thể nhằm phát huy các lợi ích của di cư, giải quyết những rủi ro, thách thức đối với các quốc gia và người di cư, hướng tới góp phần thay đổi cuộc sống của hơn 281 triệu người di cư trên thế giới.

Sau 4 ngày nhóm họp, Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố, trong đó rà soát cụ thể những tiến triển, thách thức và khoảng trống trong việc triển khai và đưa ra các cam kết mạnh mẽ về hợp tác thúc đẩy triển khai Thỏa thuận GCM. Kể từ tháng 12/2021, có hơn 200 cam kết đã được ra nhằm đẩy mạnh triển khai 23 mục tiêu của Thỏa thuận GCM.

Bảo Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-tham-du-dien-dan-ra-soat-di-cu-quoc-te-lan-thu-nhat-184796.html