Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 19: Góp phần vào thành công chung của an ninh khu vực

Hôm qua, Hội nghị Cấp cao an ninh khu vực châu Á (Đối thoại Shangri-La lần thứ 19) tại Singapore đã bế mạc sau 3 ngày làm việc (10-12/6).

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 19.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 19.

Chuyến tham dự của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong giải quyết những thách thức an ninh chung.

Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

Là diễn đàn cấp cao về quốc phòng quan trọng bậc nhất châu Á - Thái Bình Dương, sau hai năm tạm hoãn do tác động của dịch COVID-19, Đối thoại Shangri-La 19 đã thu hút sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đến từ 40 quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đối thoại có 7 phiên toàn thể, với các chủ đề: Các bước tiếp theo đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ; quản lý cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực; phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới; hiện đại hóa quân đội và những năng lực quốc phòng mới; tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự khu vực; các thách thức chung đối với quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu; những ý tưởng mới để bảo đảm ổn định khu vực.

Ngoài ra, Đối thoại còn có 3 phiên đặc biệt đồng thời với các chủ đề: An ninh khí hậu và quốc phòng xanh; Myanmar: Xác định phương hướng tiếp theo; An ninh hàng hải: Từ các quy tắc ứng xử đến liên lạc trong khủng hoảng.

Được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, Đối thoại Shangri-La là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.

Đối thoại Shangri-La được đánh giá ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế, với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng chung ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Tại Đối thoại Shangri-La 19, bộ trưởng các nước đã thảo luận về những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia các cuộc hội đàm song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới. Giữa lúc càng có nhiều sự quan tâm tới những diễn biến địa chính trị và an ninh tại châu Á -Thái Bình Dương, việc thảo luận trực tiếp giữa các nhân tố chủ chốt trong khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Cùng với Đối thoại Shangri-La, những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đa phương là những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản lý có hiệu quả xung đột, trong đó phải kể đến Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Đối thoại quốc phòng Seoul, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)...

Sự tham gia của Việt Nam không chỉ góp phần vào thành công chung của Đối thoại Shangri-La và những diễn đàn đa phương nói trên mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, truyền tải thông điệp: Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương và trên thế giới.

Tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc

Tại phiên toàn thể thứ 4 với chủ đề “Hiện đại hóa quân đội và những năng lực quốc phòng mới”, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài phát biểu quan trọng với tên gọi: “Tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc”, khẳng định quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Phát biểu trong phiên toàn thể này, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, trong khi xu thế hòa bình, hợp tác phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực sự là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc.

Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ; tích cực, chủ động, kiên quyết, kiên trì ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước; luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng, để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của thế giới, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bình đẳng, cùng có lợi; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, cam kết thực thi nghiêm túc DOC và mong muốn hướng tới xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã thu hút sự theo dõi đặc biệt và được các đại biểu, diễn giả và các nhà quan sát quốc tế đánh giá cao. Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề của Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã có hai cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Donald Marles và Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Saikhanbayar Gursed.

Trước đó, trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã có ba cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand.

Việt Nam, Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh

Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Phan Văn Giang với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, hai Bộ trưởng đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực trên một số lĩnh vực: Khắc phục hậu quả chiến tranh, đối thoại - tham vấn; trao đổi đoàn, an ninh biển, đào tạo, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc...

Hai Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo các nội dung trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015, ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa cũng như huy động nguồn lực để xử lý toàn bộ ô nhiễm dioxin tại đây; tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực về gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; thúc đẩy hợp tác quân y trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, đây là lĩnh vực mà Việt Nam hết sức quan tâm.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng việc hợp tác hiệu quả giữa hai bên sẽ giúp tăng cường lòng tin, tạo động lực mở ra những lĩnh vực hợp tác khác…

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viet-nam-tham-du-doi-thoai-sangri-la-lan-thu-19-gop-phan-vao-thanh-cong-chung-cua-an-ninh-khu-vuc-post450777.html