Việt Nam tham dự Hội thảo bản quyền Hàn Quốc-Đông Nam Á năm 2025
'Hội thảo bản quyền Hàn Quốc-Đông Nam Á năm 2025' đã diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc với sự tham dự của quan chức chính phủ đến từ 3 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Các đại biểu từ mỗi quốc gia tham dự 'Hội thảo bản quyền Hàn Quốc - 3 nước Đông Nam Á' chụp ảnh kỷ niệm. Trong ảnh (từ trái sang): Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Philippines, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Cục trưởng Cục Bản quyền thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. (Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc)
Trong hai ngày 20-21/5, “Hội thảo bản quyền Hàn Quốc-Đông Nam Á năm 2025” đã diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc với sự tham dự của quan chức chính phủ đến từ 3 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết Bộ phối hợp với Ủy ban Bản quyền quốc gia Hàn Quốc tổ chức Hội thảo về bản quyền và cuộc họp liên chính phủ nhằm duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với 3 nước Đông Nam Á.
Cuộc họp này được tổ chức 6 năm sau cuộc họp đầu tiên vào năm 2019, có sự tham dự của Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam - ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan và Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Philippines.
Tại hội thảo về bản quyền được tổ chức vào sáng 20/5, các cuộc thảo luận đã diễn ra về chủ đề hệ thống quản lý tập trung bản quyền tại mỗi quốc gia.
Các quan chức tham dự đã chia sẻ các ví dụ thực tiễn của Hàn Quốc và thảo luận về cách thức 4 quốc gia cùng nhau giải quyết các tổn thất kinh tế do vi phạm bản quyền trực tuyến gây ra.
Các cuộc thảo luận cũng xoay quanh chủ đề chính sách bảo vệ bản quyền, khả năng hợp tác quốc tế giữa 4 nước trong vấn đề bản quyền.
Thông tin từ Bộ Văn hóa Hàn Quốc cho biết trong kỳ họp lần này, các bên cũng đã thảo luận về vấn đề số hóa các hệ thống như đăng ký bản quyền với Việt Nam.
Với Thái Lan là các dự án chung nhằm nâng cao nhận thức về bản quyền và với Philippines là các phản ứng chung đối với hành vi vi phạm bằng cách sử dụng thẩm quyền để chặn các trang web phân phối bất hợp pháp.
Giám đốc Cục Bản quyền thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Jeong Hyang Mi cho biết Việt Nam, Thái Lan và Philippines là những thị trường quan trọng của Hàn Quốc, nơi làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) rất được ưa chuộng và có tổng dân số là 300 triệu người.
Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như quản lý, bảo vệ và thực thi bản quyền, cũng như nâng cao nhận thức để dẫn dắt sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái bản quyền châu Á.
Kể từ khi mở văn phòng bản quyền tại Bangkok, Thái Lan, vào năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với 3 nước Đông Nam Á trong hơn 10 năm qua bằng cách điều hành các văn phòng địa phương tại Hà Nội (Việt Nam) và Manila (Philippines).
Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng tổ chức các cuộc họp và diễn đàn liên chính phủ về các vấn đề bản quyền tại các nước định kỳ hằng năm để chia sẻ kinh nghiệm về chính sách bản quyền và hỗ trợ cải thiện môi trường sở tại.
Tính đến năm 2022, lĩnh vực bản quyền của Hàn Quốc có giá trị khoảng 320 tỷ USD, chiếm 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. Việt Nam, Thái Lan và Philippines cũng đang tập trung năng lực quốc gia vào phát triển ngành bản quyền và nền kinh tế số đổi mới, sáng tạo.
Ngành bản quyền của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cùng với sự phát triển của nền kinh tế số và ước tính đến năm 2024, riêng tiền bản quyền từ bản quyền âm nhạc sẽ đạt khoảng 15 triệu USD.
Ngành công nghiệp sáng tạo của Thái Lan đã phát triển và chiếm 8,0% GDP của đất nước vào năm 2023, tương đương với khoảng 40 tỷ USD.
Thái Lan đang thúc đẩy việc thành lập Cơ quan Văn hóa sáng tạo Thái Lan (THACCA) theo mô hình Cơ quan Sáng tạo nội dung Hàn Quốc (KOCCA).
Nền kinh tế sáng tạo của Philippines dự kiến sẽ chiếm 7,3% GDP (khoảng 34 tỷ USD) vào năm 2024 và số lượng đăng ký bản quyền vào năm 2023 đạt mức cao kỷ lục là 6.522, tăng 76% so với năm trước./.