Việt Nam tham gia EVFTA: 'Tử huyệt' của doanh nghiệp Việt là phụ thuộc nguồn cung
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt còn nhiều vướng mắc trong kết nối, trong đó vấn đề quan trọng là thường nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ đưa doanh nghiệp Việt Nam ra đấu trường quốc tế, tuy nhiên lo ngại sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu sẽ tước đi cơ hội vươn xa của hàng hóa nội địa.
“Tử huyệt” của doanh nghiệp Việt là phụ thuộc nguồn cung.
Thực trạng thiếu nguyên vật liệu để sản xuất khẩu trang hồi đầu mùa dịch Covid-19 đã phản ánh rõ nét về vấn đề này. Và đó chỉ là một trong những câu chuyện đơn cử trong hàng trăm ngành kinh tế của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên vật liệu, dẫn tới phải đóng cửa, ngừng sản xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu Trung Quốc đã tạo thành rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn cung này bị gián đoạn. Dịch Covid-19 dù chưa qua nhưng như nó một “hàn thử biểu” để biết được sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam thế nào.
Theo bà Dương Liên - Phó Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ cho biết, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vướng mắc trong kết nối, trong đó vấn đề quan trọng là năng lực chưa sẵn sàng. Việt Nam vẫn thường nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất.
Đơn cử như ngành may mặc nhập khẩu 70-80% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, công nghiệp điện tử nhập khẩu sản phẩm đầu vào lên tới 77% tổng giá trị sản phẩm, dược phẩm nhập 85-90%. Ngành nhựa nhập khẩu các sản phẩm đầu vào chiếm đến 70-80% chi phí sản xuất.
Do đó, để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối Việt Nam cần chuẩn bị ngay những điều kiện cần và đủ.
Đầu tiên, phải chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cùng với đó là thủ tục cấp đất phải nhanh chóng. Tiếp theo là sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn. Và quan trọng hơn tạo dựng được nguồn nhân lực đáp ứng được cả số lượng và chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển, cần giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển, đồng thời cải thiện thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh chóng. Cùng với đó, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định, đồng thời từng bước chuyển từ "tháo gỡ khó khăn" sang "tạo thuận lợi". Ngoài ra, phải tăng cường công tác phòng ngừa nguy cơ hàng hóa Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam nhằm gian lận, lẩn tránh xuất xứ.