Việt Nam - Thành viên tích cực và trách nhiệm của UNESCO
Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tiếp thu và áp dụng nhiều ý tưởng tiên tiến của UNESCO vào nhiều lĩnh vực và đã thành công trong việc đề xuất UNESCO công nhận nhiều danh hiệu uy tín...
Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Mai Phan Dũng phát biểu tại Hội nghị thông tin về hội nhập và UNESCO tháng 6/2019. (Ảnh: Trọng Vũ)
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) là một trong số những tổ chức chuyên môn quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc. Lời mở đầu của Hiến chương UNESCO đã nêu: "Chiến tranh nảy sinh trong đầu óc con người, vậy ngay trong đầu óc con người cần phải xây dựng thành trì của hòa bình". Do vậy, UNESCO đã xác định mục đích cao cả của Tổ chức là thông qua hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa để đạt được các mục tiêu hòa bình quốc tế và thịnh vượng chung của nhân loại.
Cho đến nay, sau 3/4 thế kỷ kể từ khi thành lập, vai trò của UNESCO vẫn không thay đổi. Thông qua các hoạt động hợp tác của mình, UNESCO đã thúc đẩy nền văn hóa hòa bình dựa trên nền tảng khoan dung, trí tuệ và tôn trọng đa dạng, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trên các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền.
Các nỗ lực của UNESCO và các quốc gia thành viên đã góp phần giải quyết và đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề toàn cầu liên quan đến hòa bình, phát triển, bảo vệ các giá trị văn hóa, đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia….
Việt Nam đánh giá cao vai trò của Tổ chức UNESCO, ủng hộ mạnh mẽ và tích cực đóng góp cho các hoạt động hợp tác của Tổ chức. Ngày từ năm 1976, Việt Nam đã chính thức gia nhập UNESCO. Đến năm 1977, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO để thúc đẩy hợp tác với tổ chức này.
Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quan trọng của UNESCO, tiếp thu và áp dụng nhiều ý tưởng tiên tiến của UNESCO vào nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục… và đã thành công trong việc đề xuất UNESCO công nhận nhiều danh hiệu uy tín như di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu. Việt Nam cũng tham gia nhiều cơ quan, cơ chế khác nhau của UNESCO, qua đó thúc đẩy lợi ích của Việt Nam và đóng góp cho các vấn đề chung của Tổ chức.
Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dựng bộ hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới. (Nguồn: Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế)
Đại hội đồng UNESCO là hoạt động quan trọng diễn ra hai năm một lần, nơi tất cả 193 nước thành viên của UNESCO sẽ họp, thảo luận, trao đổi và đưa ra các quyết định về các vấn đề trên tất cả lĩnh vực hoạt động của Tổ chức.
Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 sẽ có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên, thảo luận và thông qua quyết định về nhiều vấn đề quan trọng: Rà soát, tổng kết các hoạt động quan trọng trong giai đoạn 2018 – 2019 và đề ra hướng đi mới cho Tổ chức trên 5 lĩnh vực chuyên môn; thông qua nguồn ngân sách ngắn hạn cho giai đoạn 2020-2021 và nguồn ngân sách hợp tác trung hạn giai đoạn 2022-2029…
Trong nội dung thảo luận của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 sẽ nổi lên nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quy trình hoạt động, sửa đổi Hiến chương của UNESCO như quy trình bầu Tổng giám đốc, nhiệm kỳ các thành viên Hội đồng chấp hành…. Các vấn đề này hướng đến mục tiêu là giúp cho Tổ chức UNESCO hoạt động một cách minh bạch, dân chủ và hiệu quả hơn và đang là những vấn đề rất được các nước đang hết sức quan tâm.
Nhân dịp kỳ Đại hội đồng lần thứ 40, sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác rất quan trọng và có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực hoạt động của UNESCO như Hội nghị cấp Bộ trưởng về Giáo dục, Diễn đàn các Bộ trưởng về Văn hóa, các phiên họp của các tiểu ban chuyên môn…song song với các hoạt động chính của Đại hội đồng.
Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội đồng lần thứ 40 của UNESCO là ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Ban chấp hành trung ưởng Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Tham gia đoàn sẽ có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung sẽ có bài tham luận quan trọng tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40, nêu quan điểm và đề xuất của Việt Nam về vai trò, vị thế của UNESCO, các vấn đề lớn mà UNESCO đang giải quyết cũng như về quan hệ hợp tác Việt Nam với UNESCO.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Hoài Trung dự kiến sẽ tham dự và có phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris – một hoạt động do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng.
Diễn đàn đã được tổ chức lần đầu tiên tại Paris vào năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ I và đã bước đầu nhận được sự hưởng ứng của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức quốc tế…
Diễn đàn đang được kỳ vọng sẽ trở thành một hoạt động thường niên để các nước cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các sáng kiến để cùng thúc đẩy hòa bình trên thế giới, một chủ đề có mối liên hệ rất mật thiết với sứ mệnh, mục tiêu, định hướng của UNESCO.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-thanh-vien-tich-cuc-va-trach-nhiem-cua-unesco-104365.html