Việt Nam thể hiện đúng tinh thần 'ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng' bằng các hành động thực tế

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện đúng tinh thần 'ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng' bằng các hành động thực tế. Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhân dịp Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan.

Giáo sư Carl Thayer cho biết khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đề ra 5 trọng tâm ưu tiên là tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đối phó với mối đe dọa của dịch Covid-19 cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hậu đại dịch trở thành một ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch ASEAN 2020. Điển hình là việc tổ chức HNCC đặc biệt ASEAN và HNCC đặc biệt ASEAN+3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc về ứng phó đại dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến vào giữa tháng 4 vừa qua. “Đồng thời, Việt Nam cũng huy động sự hỗ trợ của các nước đối tác đối thoại của ASEAN. Với sự dẫn dắt của nước Chủ tịch, ASEAN đã phản ứng với dịch Covid-19 trên quy mô toàn khu vực, đẩy mạnh hợp tác giữa giới chức y tế và huy động sự tham gia của quân đội trong giảm thiểu tác động của đại dịch với xã hội”, Giáo sư Carl Thayer đánh giá.

 Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: qdnd.vn

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: qdnd.vn

Theo Giáo sư Carl Thayer, một thành công quan trọng phải kể đến của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 là tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN. Có thể thấy được điều đó qua việc ASEAN thể hiện sự đồng thuận khi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nhân kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967/ 8-8-2020). Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh tuyên bố này đã tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc an ninh khu vực.

Chia sẻ về việc Việt Nam chủ trì tổ chức các hội nghị của ASEAN theo hình thức trực tuyến trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, vị học giả Australia cho rằng đó chính là “cái khó ló cái khôn”. “Dịch Covid-19 cũng đồng nghĩa các cuộc gặp trực tiếp của ASEAN không thể diễn ra. Nhiều - nhưng không phải tất cả - các hội nghị theo kế hoạch của ASEAN đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến”, Giáo sư Carl Thayer nêu rõ.

Liên quan đến HNCC ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan, Giáo sư Carl Thayer cho rằng chuỗi hội nghị lần này là dịp để các nhà lãnh đạo đánh giá việc thực hiện Hiến chương ASEAN; đánh giá giữa kỳ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; thảo luận về khả năng ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; trao đổi nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… Giáo sư Carl Thayer bày tỏ kỳ vọng HNCC ASEAN 37 sẽ tái khẳng định cam kết của ASEAN với Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/viet-nam-the-hien-dung-tinh-than-asean-gan-ket-va-chu-dong-thich-ung-bang-cac-hanh-dong-thuc-te-643632