Việt Nam: Thị trường đầu tư tốt nhất trong khu vực

Đầu tư nước ngoài đang giúp gắn các hoạt động về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào hoạt động chung của doanh nghiệp. Để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ cần phát triển thị trường vốn và vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

Đánh giá trên vừa đưa ra trong báo cáo mới nhất được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC xuất bản. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng cách tiếp cận tích hợp trong phân tích ESG, thay vì một số hình thức tính điểm hệ thống đơn giản, theo đó, báo cáo tập trung vào một số điểm chính như: những thách thức của biến đổi khí hậu và phương pháp được sử dụng để bù đắp lại những nguy cơ này; những chỉ báo ESG của các doanh nghiệp trong danh sách VN30-Index...

Vì sao Việt Nam quan trọng

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu có thể chịu ảnh hưởng từ biến đối khí hậu. Do vậy, báo cáo của HSBC đánh giá những sáng kiến đang được thực hiện tại Việt Nam nhằm đối phó với những mối đe dọa này, cũng như các chương trình tài chính xanh còn non trẻ trong nước.

Kết được báo cáo đưa ra cho thấy, Việt Nam đang bắt đầu bắt kịp các yếu tố quản trị và xã hội của ESG. Chữ “E” trong ESG có tầm quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam - đất nước vốn đã quá quen với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu: thiệt hại do lũ lụt và bão gây ra. Còn các chữ “S” và “G” của ESG cũng ngày càng quan trọng với Việt Nam, thị trường cận biên đang bắt đầu bắt kịp các yếu tố quản trị và xã hội.

"Nhiều nhà đầu tư sẽ ngạc nhiên khi biết rằng quốc gia này đã có bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp chi tiết và đang đi đúng hướng với việc đáp ứng khá nhiều trong số 17 mục tiêu SDG của Liên Hợp Quốc", báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo HSBC, đầu tư nước ngoài đang giúp gắn các hoạt động ESG vào hoạt động chung của doanh nghiệp. Để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ cần phát triển thị trường vốn và vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng, có thể kể đến như: Việt Nam có mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong ASEAN.

Dựa trên cơ sở dữ liệu ESG của HSBC, các chuyên gia của ngân hàng đã xem xét các công ty hàng đầu trong danh mục VN30 Index của Việt Nam, đánh giá xem họ đã cải thiện các chỉ số ESG khác nhau như thế nào trong 5 năm qua. "Điều đáng ngạc nhiên là thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có một chỉ số bền vững", báo cáo cho biết.

Vì sao Việt Nam quan trọng? Để trả lời cho câu hỏi này, HSBC cho biết Việt Nam là một câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn. Theo quan điểm của HSBC, điều này có nghĩa là ESG sẽ ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư. Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất trong khu vực.

"Quốc gia này không chỉ là một câu chuyện thành công về chuỗi cung ứng gia công với lợi thế về vị trí địa lý. Việt Nam đang thiết lập một động cơ tăng trưởng kinh tế nội tại, điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn theo đúng nghĩa của nó. Việt Nam ngày càng đáng đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài và là thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong ASEAN sau Thái Lan", các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.

Mảnh đất màu mỡ cho những nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự tăng trưởng. Để duy trì mức tăng trưởng này, HSBC cho rằng, Việt Nam sẽ cần phát triển thị trường vốn của mình và vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

Với tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đầu tư vào ESG, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG, tập trung vào tăng trưởng bền vững và công bố nhiều hơn về các vấn đề ESG.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung tạo ra tăng trưởng lợi nhuận cao hơn hầu hết các thị trường phát triển và mới nổi; tuy nhiên, các nhà đầu tư thường e dè do những lo ngại liên quan đến các báo cáo tài chính dưới chuẩn và những gì họ nhìn nhận là các quy định mâu thuẫn, một rủi ro đầu tư thường liên quan đến các thị trường cận biên. Các nhà đầu tư thường tính lợi nhuận cộng để bù đắp cho những yếu tố bất định này nhưng khi việc công bố thông tin của doanh nghiệp được cải thiện, tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên tốt hơn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn từ sự chuyển hướng chuỗi cung ứng của châu Á và cũng nhận được nhiều vốn FDI nhất ở ASEAN, sau Singapore, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Do các công ty toàn cầu tập trung ngày càng nhiều vào ESG và tính bền vững, họ đang đòi hỏi ngày càng nhiều các nguồn lực bền vững có chất lượng tốt ở các quốc gia nơi mình hoạt động.

Chẳng cần đâu xa, hãy nhìn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.

Nhà phân tích Rahul Bhatia của Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.

Các chỉ số bền vững

Báo cáo của HSBC đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành lập, hàng năm ghi nhận các công ty trong số 1.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dựa trên Bộ Chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI).

Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cũng công bố Chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) vào năm 2017. VNSI là một chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh, bao gồm các công ty niêm yết có điểm số cao nhất về tính bền vững dựa trên hơn 100 tiêu chí. Các yếu tố cấu thành của VNSI được lựa chọn từ danh mục VN100 Index, một chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh của 100 công ty lớn nhất niêm yết trên HOSE.

VNSI được giới thiệu bởi HOSE, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam. Các công ty cần đáp ứng các tiêu chí dựa trên những nguyên tắc của OECD về quản trị doanh nghiệp và Tiêu chuẩn Toàn cầu về Báo cáo Phát triển Bền vững (GRI) để được đưa vào danh mục này. VNSI hiện bao gồm 20 công ty, đứng đầu là các công ty tài chính.

Quy tắc và tiêu chí tuyển chọn của VNSI được thiết lập dựa trên các bước như: HOSE chấm điểm và xem xét điểm ESG vào tháng 7 hàng năm, dựa trên thông tin của các cổ phiếu thuộc danh mục VN100 Index; các cổ phiếu trong nhóm đủ điều kiện được sắp xếp theo thứ tự giảm dần dựa trên điểm ESG do HOSE đánh giá. Nếu trên hai cổ phiếu có cùng điểm ESG, các vị trí được xếp hạng theo thứ tự vốn hóa thị trường; các lĩnh vực không được tính vào VNSI bao gồm: vũ khí và hệ thống phòng thủ, rượu, thuốc lá, cờ bạc, năng lượng hạt nhân và than; trong trường hợp cổ phiếu bị loại bỏ khỏi danh mục VN100 Index, ngay lập tức, nó cũng sẽ bị loại khỏi VNSI; ddể giảm mức độ tập trung của một cổ phiếu thành phần cụ thể, tỷ trọng vốn hóa thị trường của mỗi cổ phiếu thành phần trong VNSI được giới hạn ở mức 10%.

VNSI và VN-Index tỷ lệ thuận với nhau. VNSI tăng 114,9% kể từ tháng 7/2017 và tăng 44,5% so với đầu năm; chỉ số VN-Index tăng 74,6% kể từ tháng 7/2017 và tăng 20,1% so với đầu năm.

Về mặt định giá, bội số PE dự phóng 12 tháng tiếp theo của VNSI là 14,7 lần, chênh lệch lợi nhuận 10,5% so với mức trung bình kể từ năm 2017; trong khi bội số PB dự phóng 12 tháng tiếp theo là 2,5 lần, chênh lệch lợi nhuận 23,7% so với mức trung bình kể từ năm 2017.

Trên cơ sở tương đối, VNSI giao dịch ở mức thấp hơn so với VN-Index dựa trên bội số PE dự phóng 12 tháng và gần như tương quan với bội số PB dự phóng 12 tháng. ROE dự phóng 12 tháng của VNSI vào tháng 8/2021 là 19,8%, cao nhất kể từ khi bộ chỉ số này được công bố và gần bằng ROE dự phóng 12 tháng của VN-Index (20%).

Báo cáo của HSBC cũng cho biết, các chuyên gia của ngân hàng đã thực hiện nghiên cứu báo cáo tài chính của các công ty trong danh sách VN30-Index của Việt Nam để tìm dữ liệu cho các mục tiêu như: Mật độ phát thải khí nhà kính; tổng mật độ năng lượng; chính sách giảm carbon; tỷ lệ nhân viên nghỉ việc; phần trăm chi phí nhân lực so với doanh thu; chính sách đa dạng hóa; quy mô ban quản trị; thời gian phục vụ trung bình trong ban quản trị; đại diện nữ trong ban quản trị; tính độc lập của ban quản trị.

Nghiên cứu của HSBC cho thấy, thành viên ban quản trị tại các doanh nghiệp trong danh sách VN30-Index khá nhất quán trong 5 năm vừa qua với quy mô ban quản trị từ 7,1 năm 2016 lên 7,4 năm 2020. Những con số này nằm trong khoản định nghĩa bởi bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp (5-11). Sự tham gia của các thành viên nữ trong ban quản trị cũng tăng từ 28,8% lên 32,7%. Như vậy, việt Nam đã đạt mức tối thiểu yêu cầu là 30% thành viên nữ trong ban quản trị, theo bộ quy tắc quản trị. Hay như, tỷ lệ phần trăm các thành viên độc lập trong ban quản trị tăng từ 16,1% lên 26%, đang tiến sát đến mức tối thiểu yêu cầu là 33%.

Theo Thanh Hải/thitruongtaichinhtiente.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/viet-nam-thi-truong-dau-tu-tot-nhat-trong-khu-vuc-339244.html