Việt Nam - Thị trường tiềm năng của K-Food

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngành công nghiệp thực phẩm Hàn Quốc đang nhắm đến Việt Nam như một thị trường hàng đầu cho K-Food.

Đầu bếp chế biến bánh Songpyeon tại Lễ hội Ẩm thực Hàn Quốc 2016 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Đầu bếp chế biến bánh Songpyeon tại Lễ hội Ẩm thực Hàn Quốc 2016 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau khi duy trì được tăng trưởng ổn định nhờ sự phát triển tại địa phương, những công ty đã tiến vào thị trường Việt Nam từ sớm tiếp tục coi đây là thị trường trọng điểm cho hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của mình cũng như không ngừng nỗ lực nội địa hóa các sản phẩm.

Trước tiên phải kể đến các công ty Daesang và Paldo với việc đầu tư mở rộng nhà máy, trong khi Ottogi ra mắt mì ăn liền dành riêng cho thị trường địa phương

Tháng 6 vừa qua, Công ty Daesang đã đầu tư 30 tỷ won (khoảng hơn 21 triệu USD) vào việc mở rộng nhà máy ở Việt Nam, theo đó công suất sản xuất hằng năm sẽ tăng gần gấp đôi. Bằng cách xây dựng thêm nhà máy của Daesang Việt Nam ở Hải Dương cùng với nhà máy ở Hưng Yên, năng lực sản xuất hằng năm của Daesang đã được tăng lên đáng kể.

Hiện Daesang có tổng cộng 4 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam gồm ở Hải Dương (sản xuất thực phẩm tiện lợi, đồ ăn liền và nước sốt), Hưng Yên (chế biến thịt tươi và thịt), Việt Trì (Miwon) và Tây Ninh (đường mạch nha và tinh bột sắn). Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu 201,6 tỷ won tại Việt Nam, tăng trưởng gấp đôi so với 5 năm trước.

Tháng 4 năm nay, Công ty Paldo đã hoàn thành nhà máy thứ hai gần tỉnh Tây Ninh ở miền Nam Việt Nam. Tiếp nối nhà máy đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ (miền Bắc Việt Nam), việc Paldo xây dựng nhà máy thứ hai ở phía Nam cho thấy kế hoạch của công ty sẽ thiết lập vành đai sản xuất trải dài từ Bắc vào Nam tại Việt Nam. Trong tương lai, công ty dự định tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất của nhà máy thứ hai để tăng sản lượng mì ăn liền và sử dụng đây làm cơ sở xuất khẩu sang các nước lân cận. Năm 2023, doanh thu của công ty con Paldo Việt Nam đạt 79,7 tỷ KRW, tăng 17,4% so với một năm trước.

Việt Nam cũng là quốc gia được Ottogi chọn làm cơ sở để thúc đẩy hoạt động kinh doanh toàn cầu và mở rộng kinh doanh của công ty. Hiện tại Ottogi đang sở hữu 2 nhà máy tại Việt Nam gồm nhà máy ở Bắc Ninh chủ yếu sản xuất mì ăn liền, còn nhà máy ở Bình Dương chủ yếu sản xuất nước sốt. Gần đây, Ottogi đã cho ra mắt sản phẩm "Oppa Ramen" dành riêng cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Ottogi hiện đang trong quá trình chứng nhận Halal để phát triển mì ramen Halal hướng tới người tiêu dùng Hồi giáo.

Trong số ác thương hiệu nổi tiếng khác của Hàn Quốc tại Việt Nam phải kể đến Orion với doanh số đạt 500 tỷ won. Orion bắt đầu xuất khẩu sản phẩm chủ lực của mình, Choco Pie, sang Việt Nam vào năm 1995 và thành lập một công ty địa phương vào năm 2005. Năm 2006, nhà máy Mỹ Phước tại Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động và năm 2009, nhà máy thứ hai cũng khai trương tại Hà Nội. Căn cứ phản ứng của thị trường với sản phẩm Choco Pie, công ty tiếp tục mở rộng dòng sản phẩm mới của mình, bao gồm snack khoai tây, bánh gạo, bánh mì ăn sáng và các sản phẩm kẹo dẻo. Năm ngoái, công ty cũng đã gia nhập thị trường sữa Việt Nam bằng việc hợp tác với Dutch Mill, công ty sữa số 1 Thái Lan. Doanh thu năm 2023 của công ty con Orion Việt Nam ghi nhận 475,5 tỷ won, tăng 62,8% so với mức 292 tỷ won của năm 2020. Nhờ tăng trưởng liên tục tại Việt Nam, công ty đang mở rộng đầu tư, bao gồm cả việc xây dựng thêm nhà máy.

CJ CheilJedang đang phát triển kinh doanh thực phẩm tươi sống tập trung vào thực phẩm đông lạnh tại Việt Nam. Từ năm 2016 đến 2017, công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách mua lại 3 công ty thực phẩm địa phương. Công ty đã đầu tư 30 tỷ won để thành lập nhà máy Kizuna, một cơ sở sản xuất tích hợp, tại huyện Can Giuộc, tỉnh Long An, Việt Nam vào năm 2022 và có kế hoạch đầu tư 100 tỷ won vào các cơ sở bổ sung vào năm tới (năm 2025). Nhà máy này đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Liên minh châu Âu (EU) và Australia bằng cách tận dụng lợi thế địa lý của Việt Nam.

Sau khi kêu gọi “toàn cầu hóa rượu soju”, Hite Jinro đặt mục tiêu đạt doanh thu 500 tỷ won từ doanh số bán rượu soju ở nước ngoài. Công ty đã chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên và quyết định thành lập nhà máy sản xuất tại Cụm công nghiệp Green i-Park, tỉnh Thái Bình. Nhà máy của Hite Jinro tại Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2026, có diện tích khoảng 83.000 m2, mục tiêu ban đầu là 1 triệu sản phẩm mỗi năm, dự kiến sẽ mở rộng trong tương lai và đóng vai trò là cơ sở cho thị trường Đông Nam Á.

Giới phân tích cho biết sở dĩ ngành thực phẩm Hàn Quốc chú trọng vào thị trường Việt Nam là do Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, có tiềm năng tiêu thụ lớn. Tổng dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi, số người ở độ tuổi 20-40 chiếm khoảng 46% tổng dân số. Ngoài ra, mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người hằng năm của Việt Nam trong hàng cao nhất thế giới, khiến nơi đây trở thành thị trường hấp dẫn cho các công ty sản xuất mì ăn liền Hàn Quốc.

Một quan chức trong ngành thực phẩm Hàn Quốc cho biết Việt Nam là thị trường mà ngành thực phẩm Hàn Quốc đã thâm nhập và tạo dựng được sự nhận diện mạnh mẽ. Gần đây, mức độ phổ biến của các nội dung liên quan đến giải trí như K-pop, K-culture, cũng kéo theo sự phổ biến của K-food. Để bắt kịp xu hướng này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam, bao gồm cả mở rộng cơ sở vật chất.

Khánh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-thi-truong-tiem-nang-cua-kfood-20240709112828568.htm