Việt Nam thử nghiệm ghép tử cung trên động vật: Mở ra cơ hội cho nhiều phụ nữ
Việt Nam vừa thử nghiệm ghép tử cung cho chó, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều phụ nữ có bất thường về tử cung mà không thể mang thai.
10 con chó được thử nghiệm ghép tử cung
Mới đây, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, trong đề án ghép tử cung do BV đang triển khai nghiên cứu đã có 10 con chó được ghép tử cung thử nghiệm, trong đó một số con có dấu hiệu tử cung sống khá tốt. Thông tin cụ thể hơn, GS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc BV TƯ Quân đội 108, cho biết: Đề án ghép tử cung được BV triển khai từ năm 2017. Đến nay, nhóm nghiên cứu thử nghiệm ghép tử cung cho 10 con chó.
Kết quả cho thấy trong số những con chó được thử nghiệm ghép tử cung, có một con sau khi ghép đã bị tắc mạch, không duy trì được, còn lại phần lớn có dấu hiệu tử cung sống khá tốt. BV cho rằng, kết quả này là khả quan nhưng để đảm bảo chức năng mang thai sau khi ghép tử cung thì cần nghiên cứu thêm.
"Để thành công, tử cung sau ghép phải sống được và đảm bảo chức năng mang thai, đảm bảo sinh sản", GS. Nguyễn Thế Hoàng nói.
Cũng theo GS. Hoàng, nếu ghép tử cung trên chó thành công, BV sẽ nghiên cứu, tiến tới ghép tử cung trên người trong vài năm nữa. Hiện tại, BV tập trung hoàn thiện kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực và ghép thực nghiệm trước khi thực hiện trên con người.
Những ca ghép tử cung trên thế giới
Theo các chuyên gia, ghép tử cung là phẫu thuật tiến hành ghép một tử cung khỏe mạnh vào cơ thể một người phụ nữ không có tử cung. Kỹ thuật này đã được triển khai tại một số nước trên thế giới và đã thành công. Trong đó, một số trường hợp sau ghép tử cung, sản phụ đã sinh em bé bằng tử cung ghép.
Cụ thể, tại Ấn Độ, ngày 18/10/2018, sản phụ Meenakshi Valand (27 tuổi) đã hạ sinh một bé gái tại BV Galaxy Care ở Pune (bang Maharashtra, Ấn Độ). Trước khi sinh em bé, sản phụ kết hôn đã 9 năm, 4 lần sẩy thai và 2 lần mất em bé khi sinh do mắc hội chứng Asherman. Người mắc hội chứng này bị dính buồng tử cung vì nội mạc tử cung bị phá hủy rộng sau phá thai nên số lượng nội mạc còn lại không đủ để nuôi dưỡng dẫn đến sẩy thai. Trường hợp của chị Meenakshi Valand là mẹ của sản phụ khi đó 48 tuổi đã quyết định hiến tử cung của mình cho con. Ngày 18/5/2017, ca ghép tử cung cho sản phụ Meenakshi Valand được tiến hành tại BV Galaxy Care. Theo đó, sau khi sản phụ có kinh nguyệt, các bác sĩ cấy phôi thai vào tử cung mới và đã thành công. Sản phụ có thai ngay sau đó và hạ sinh bé gái khi thai được 36 tuần.
Hiện nay, trong giới y khoa, dù vẫn còn nhiều ý kiến đối với việc ghép tử cung nhưng với những phụ nữ không thể mang thai và sinh con do tử cung thì ghép tử cung là cơ hội duy nhất của họ. Do đó, với việc thử nghiệm ghép tử cung cho chó bước đầu có hiệu quả, chúng tôi hy vọng vài năm tới những phụ nữ gặp vấn đề về tử cung có thể sẽ được hưởng niềm vui mang thai và sinh con như những người bình thường khác".
PGS Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc BV Phụ sản TƯ
Trước sản phụ Meenakshi Valand, em bé đầu tiên trên thế giới chào đời từ tử cung ghép sinh tại Thụy Điển vào tháng 9/2014. Tại Mỹ, em bé đầu tiên chào đời từ tử cung ghép vào tháng 12/2017. Đến nay, trên thế giới đã có hơn 50 phụ nữ được ghép tử cung. Trong đó, 15 trẻ chào đời gồm 9 ca ở Thụy Điển, 2 ca ở Mỹ, các ca còn lại ở Brazil, Serbia, Ấn Độ, Trung Quốc.
Cơ hội cho phụ nữ gặp vấn đề về tử cung
Theo các chuyên gia, các trường hợp có cơ hội ghép tử cung là người bất thường về tử cung, không thể mang thai. Nguồn hiến có thể là mẹ tặng tử cung để ghép cho con gái hay từ người cho chết não.
PGS Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc BV Phụ sản TƯ, cho biết, tử cung là một cơ quan nằm trong vùng khung xương chậu của nữ giới. Tử cung được hình thành ở bụng dưới và hoàn chỉnh về cấu trúc ngay khi thai còn trong bụng mẹ. Tử cung lớn dần lên và thay đổi về độ lớn cũng như hình dáng và kích thước theo sự phát triển của người phụ nữ. Khi có thai tử cung to dần lên, dung tích lúc bình thường 5ml, thai đủ tháng có thể tới 5000ml thậm chí còn hơn nữa.
Cũng theo PGS. Vũ Bá Quyết, hiện nay có nhiều trường hợp vô sinh hiếm muộn ở nữ giới, trong đó có thể do những bất thường ở tử cung. Theo đó, các trường hợp dị dạng tử cung khiến phụ nữ khó có cơ hội sinh con như không có tử cung với tỷ lệ 1/10.000 phụ nữ (phụ nữ sẽ hoàn toàn không thể mang thai), hay có trường hợp tử cung đôi, tử cung hình vòm, tử cung có vách ngăn... Theo thống kê, cứ 18 phụ nữ thì sẽ có 1 trường hợp bất thường ở tử cung. Khi đó, tử cung của người phụ nữ đó sẽ có kích thước, cấu trúc hoặc hình dạng khác so với bình thường. Dù vậy, không phải tất cả các trường hợp tử cung dị dạng đều dẫn đến vô sinh. Tùy thuộc vào việc tử cung của thai phụ dị dạng ở mức độ nào, kết hợp với nhiều yếu tố khác mới quyết định khả năng mang thai. Ví như, với tử cung có vách ngăn thì bác sĩ sẽ phẫu thuật bỏ vách ngăn.
Với những trường hợp không có tử cung thì có thể ghép tử cung để sinh con. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép tử cung vào ổ bụng người nhận. Sau đó, người nhận ghép tử cung có thể sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hiện phương pháp này đã được tiến hành tại một số nước, còn tại Việt Nam hiện đang dừng ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật.
Bác sĩ Quyết cũng cho biết, ghép tử cung là một thủ tục phẫu thuật xâm lấn và vẫn còn mang tính thử nghiệm. Cả người nhận lẫn người hiến đều phải trải qua những lần phẫu thuật có nguy cơ biến chứng do phẫu thuật. Tử cung được cấy ghép có thể được sử dụng cho 1-2 lần mang thai, sau đó được lấy ra khỏi cơ thể khi người phụ nữ không có nhu cầu sinh con nữa nếu không sẽ phải uống thuốc chống đào thải suốt đời.