Việt Nam tích cực và nghiêm túc thực hiện cam kết với tư cách là thành viên
Từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), Việt Nam đã rất tích cực và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình với tư cách là thành viên của Công ước.
Do yêu cầu nội tại ở trong nước vừa do tuân thủ cam kết quốc tế, từng điều, khoản của Công ước ICCPR đã được nội luật hóa vào pháp luật quốc gia hoặc được trực tiếp áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam. Việc tham gia Công ước ICCPR là một sự tiếp tục khẳng định quan điểm, chính sách xuyên suốt của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền dân sự và chính trị.
Kể từ đó, công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam ngày càng được chú trọng và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là sau Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Chỉ trong vòng hơn 10 năm, rất nhiều luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị đã được ban hành và liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích ngày càng ghi nhận đầy đủ nhất các quyền này. Đặc biệt, quyền con người, quyền công dân luôn được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Mới đây nhất, Hiến pháp năm 2013 được thông qua đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực. Hiến pháp dành một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, trong đó ghi nhận cụ thể, đầy đủ các quyền về dân sự và chính trị.
Điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây là không cho phép các văn bản dưới luật được đưa ra các hạn chế quyền con người và ngay cả luật của Quốc hội cũng chỉ được đưa ra các hạn chế quyền con người, quyền công dân “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14 Hiến pháp).