Việt Nam – Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai
Việc đầu tư phát triển cho năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo, đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (như than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững (như gió, mặt trời, nước, sinh khối, hydro, nhiên liệu sinh học…).
Trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời không thể không nhắc đến BayWar.e. - là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực phát triển, cung cấp dịch vụ, phân phối thiết bị và các giải pháp về năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Tập đoàn có trụ sở chính tại Munich, CHLB Đức và hoạt động tại 29 quốc gia với gần 4.000 nhân viên tại 108 văn phòng trên thế giới; đến nay đã phát triển, đầu tư xây dựng 4.600MW tổng công suất đặt các dự án điện gió và điện mặt trời, đang quản lý vận hành 10.000MW các nhà máy điện gió, mặt trời và sinh khối, cung cấp các giải pháp từ tự tiêu thụ đến cung ứng năng lượng xanh cho các khách hàng công nghiệp và thương mại. Với 25 năm kinh nghiệm về phân phối thiết bị điện mặt trời, BayWar.e. đã cung cấp nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cho gần 15.000 đối tác kinh doanh và lắp đặt trên thế giới. Doanh thu của tập đoàn BayWar.e. năm 2021 là hơn 3,6 tỷ EURO.
Tại Việt Nam, BayWar.e. chính thức hoạt động từ cuối 2020, bắt đầu với nhiều khó khăn, đến nay công ty chỉ vọn vẹn với 15 nhân viên, hoạt động ở cả 3 mảng chủ chốt trên toàn quốc. Ở mảng dự án, BayWar.e. Việt Nam đang phát triển danh mục dự án với hơn 400MW điện gió. Mảng giải pháp năng lượng tái tạo cho khách hàng công nghiệp/thương mại lớn, có danh mục đầu tư gần 100MW các hệ thống điện mặt trời áp mái, trong đó gần 40MW đang thương thảo hợp đồng. Riêng về mảng phân phối hệ thống điện mặt trời bao gồm tấm quang điện và biến tần cũng như các phụ kiện, tuy doanh số còn khiêm tốn nhưng BayWar.e. đã và đang xây dựng được niềm tin từ các đối tác lớn tại Việt Nam. BayWar.e. đã thiết lập kho hàng ở hai đầu Nam - Bắc (ở Biên Hòa, Đồng Nai và ở Bắc Giang) nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng tới khách hàng, đối tác & các dự án một cách chủ động, sớm nhất. Bên cạnh đó, BayWar.e. cũng có chuyên gia kỹ thuật để tư vấn, giúp đỡ hay tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ về xu hướng, công nghệ về điện mặt trời.
Mặc dù đến Việt Nam vào đúng lúc đại dịch Covid bắt đầu hoành hành, BayWar.e. Việt Nam đã thực hiện khảo sát phát triển danh mục 400MW các dự án điện gió trên bờ và tích cực triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư liên quan như lập báo cáo tiền khả thi, lắp đặt 4 cột đo gió, khảo sát địa hình, khảo sát các loại rừng, khảo sát hướng tuyến, phương án vận tải, chuẩn bị các báo cáo kỹ thuật, xây dựng, đánh giá tác động môi trường… để chủ động chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo là đấu thầu để được lựa chọn đầu tư xây dựng các dự án này.
Điện mặt trời và điện gió đã phát triển rất nhanh, đạt những thành tựu đáng tự hào trong mấy năm gần đây nhờ có chính sách hỗ trợ giá điện của Chính phủ. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn còn là lĩnh vực mới tại Việt Nam, các cơ sở pháp lý liên quan vẫn cần được điều chỉnh, cập nhật và hoàn thiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay với các bên tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, là quy hoạch quốc gia về phát triển năng lượng chưa được phê duyệt và các chính sách chưa ổn định, rõ ràng với tầm nhìn dài hạn. Việc lập kế hoạch hoạt động của BayWar.e. cho thời gian tới đều dựa trên những giả định chủ quan, không tránh khỏi những bất ngờ trong quá trình thực hiện trong thời gian tới.
Đầu tư xây dựng một dự án là một quá trình dài, tới vài chục năm, từ khi chọn địa điểm đến khi đầu tư xây dựng xong và đưa vào vận hành đến hết đời dự án. Nguyên tắc của BayWar.e. khi phát triển dự án là doanh nghiệp phải luôn đồng hành với chính quyền địa phương và cộng đồng bản địa, làm sao để cư dân xung quanh khu vực dự án được hưởng lợi từ việc xây dựng nhà máy. Tại các địa phương BayWar.e. đang phát triển dự án, ngay từ giai đoạn khảo sát dự án, BayWar.e. đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng bằng các hình thức như: đóng góp xây dựng các khu vệ sinh cho các điểm trường tiểu học, cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng thưởng các thầy cô giáo có thành tích đặc biệt, tài trợ xây dựng nhà cộng đồng. Các dự án hỗ trợ cộng đồng như vậy luôn được BayWar.e. thực hiện thường xuyên hàng năm, với các hình thức tài trợ khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng địa phương và tiêu chí của doanh nghiệp.
Chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời của Việt Nam trong những năm vừa qua đã đạt những thành tựu lớn, tuy nhiên chặng đường tiếp theo còn nhiều khó khăn. Tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam là rất lớn và BayWar.e. mong muốn tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, thông qua kinh nghiệm và tiềm lực của BayWar.e. thúc đầy sáng tạo và phát triển công nghệ mới, phát triển công nghiệp phụ trợ… góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.
Từ rất lâu trước đây, nhân loại đã biết dùng các loại nhiên liệu hóa thạch như than, khí thiên nhiên, xăng, dầu… để làm chất đốt, cung cấp năng lượng phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên các nhiên liệu hóa thạch là tài nguyên không tái tạo bởi mẹ thiên nhiên đã mất hàng nghìn năm để tạo ra chúng và với lượng tiêu thụ ngày một tăng lên của con người, thứ nhiên liệu này đang ngày một cạn kiệt. Thêm vào đó việc đốt các nhiên liệu hóa thạch này cũng tạo ra các chất gây ô nhiễm không khí như oxide nitơ, dioxide lưu huỳnh, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, các kim loại nặng, các loại acid hủy hoại môi trường sống, các chất phóng xạ nguy hiểm… Đồng thời trong quá trình khai thác, xử lý chúng cũng gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống của con người và động vật trên Trái đất.
Vì thế xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay là nghiên cứu, phát triển và sử dụng các loại năng lượng tái tạo được tạo ra từ các nguồn liên tục, có thể coi là vô hạn, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, thủy điện, năng lượng nhiệt điện… Các nguồn năng lượng mới này đang dần thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống trong các lĩnh vực quan trọng, với những ưu điểm nổi bật như thân thiện với môi trường, dồi dào vô tận, giảm thiểu biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích về phương diện kinh tế.