Việt Nam tiếp nhận hệ thống hướng dẫn cảnh báo sạt lở, lũ quét 1,3 triệu USD

Việt Nam tiếp nhận 'Hệ thống hướng dẫn cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á' với tổng kinh phí 1,3 triệu USD và đảm nhiệm vai trò Trung tâm Vùng trong công tác dự báo sạt lở, lũ quét.

Sáng 28/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TNMT) tổ chức hội nghị công bố Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét trong khu vực Đông Nam Á.

Toàn cảnh hội thảo sáng 28/6

Năm 2017, Tổ chức Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (ECCC) và WMO đã xây dựng dự án “Khả năng chống chịu tác động của các hiện tượng khí tượng thủy văn qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai” ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển và Đông Nam Á”.

Dự án được thiết kế dựa trên sự tích hợp các sáng kiến của WMO với trọng tâm là lũ quét, sạt lở đất và thời tiết nguy hiểm, gồm hệ thống hướng dẫn lũ quét, chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm.

“Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á” là một hợp phần quan trọng của dự án, Việt Nam được chấp thuận là đại diện Trung tâm vùng của SEAFFGS (gồm 4 nước thành viên: Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines).

Việt Nam tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét trong khu vực Đông Nam Á với vai trò Trung tâm Vùng.

Với vai trò Trung tâm Vùng, Việt Nam sẽ quản lý 2 máy chủ đặt tại Tổng cục KTTV, cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực duy trì đường truyền, dữ liệu, bảo trì, vận hành hệ thống để cung cấp dữ liệu và trao đổi cho các Trung tâm KTTV tại khu vực Đông Nam Á.

Chịu trách nhiệm phối hợp với các nước thành viên trong khai thác và sử dụng các sản phẩm của SEAFFGS nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở.

Dự án có tổng kinh phí 1,3 triệu USD, được tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại.

Trước đó, tháng 10/2021, Ban Dịch vụ thủy văn và Tài nguyên nước (HWR), Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về các vấn đề về sự phát triển của Hệ thống SeAFFGS; Phát triển mô-đun FFGS Landslide (sạt lở đất) và các yêu cầu dữ liệu đầu vào; Bảo trì hệ thống SeAFFGS; Ủy hội sông Mê Kông (MRCFFGS) với SeAFFGS;

Hệ thống SeAFFGS đã thiết lập 7 khóa đào tạo tập huấn (3 khóa đào tạo trực tuyến về SeAFFGS trong năm 2021) cho đại diện của một số nước khu vực Đông Nam Á.

Dự báo KTTV tại Trung tâm KTTV Quốc gia (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT).

Dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp gồm 10 ra đa, 370 trạm mưa tự động, đường bao hành chính quận, huyện, xã, sản phẩm Nowcasting dự báo mưa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF do Việt Nam cung cấp và sản phẩm dự báo mưa WRF từ hệ thống FFGS của Ủy hội sông Mê Kông (MRCFFGS).

WMO và HRC đang phát triển thêm mô đun về sạt lở cho Việt Nam và sẽ phát triển bổ sung thêm cho các nước Lào, Campuchia và Thái Lan. Mô đun sạt lở đất phát triển cho khu vực Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành và tổ chức đào tạo trực tuyến vào tháng 3/2022, tích hợp trên nền SeAFFGS, các quốc gia khác phát triển trong năm 2023.

Nỗ lực đưa mức thiệt hại do thiên tai về gần 0

Trao đổi với VietNamNet, GS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, ngành khí tượng thủy văn đang cố gắng, nỗ lực đưa mức thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra về mức tiệm cận 0, bằng cách nâng cao chất lượng dự báo.

Sạt lở đất cuốn bay một ngôi làng ở Quảng Nam

“Việt Nam có 19 – 21 loại hình thiên tai. Trong những năm qua, ngành KTTV đã quan tâm tới tất cả các loại hình này và có kế hoạch đầu tư để từng bước giải quyết những vấn đề lớn. Cái khó nhất và đe dọa nhiều nhất, đó là bão với cường độ gió lớn, mức độ, phạm vi ảnh hưởng rộng. Công tác dự báo cường độ, quỹ đạo bão… đã được cải thiện… Thiệt hại do bão gây ra đã từng bước giảm về mức gần 0.

Trong bối cảnh đó, thiên tai do thủy văn, lũ quét, sạt lở đất ngày càng trầm trọng. Ghi nhận trong năm qua, thiên tai chủ yếu gây hậu quả, thiệt hại về tài sản, tính mạng con người chủ yếu là sạt lở đất, GS Trần Hồng Thái chia sẻ.

Cũng theo ông Thái, từ năm 2014, ngành thủy văn đã đưa bản tin cảnh báo sát lở đất vào trong bản tin hàng ngày. Chúng ta đã từng bước tiếp cận khoa học công nghệ, nghiên cứu các ngưỡng mưa, các khu vực sạt lở và đã có bản đồ phân vùng ở những nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất; đã có bản đồ 1/5000 đánh giá, phân vùng những nơi nguy hiểm, những nơi đe dọa đến chúng ta đã dự báo được…

Với việc đưa hệ thống cảnh báo lũ quét cấp độ vùng, có thêm hy vọng sẽ đưa mức thiệt hại về tài sản, con người dần về con số 0

Để có thể cảnh báo, dự báo sạt lở đất tốt hơn, chúng ta cần những công nghệ tích hợp. Bắt đầu từ năm 2018 đến nay, chúng ta đã tận dụng tất cả các nguồn hỗ trợ, từng bước sử dụng công nghệ tích hợp, ra-đa, vệ tinh… trong công tác dự báo.

"Việc tiếp nhận vai trò Trung tâm Vùng của dự án này, chúng ta có 6 năm chuẩn bị. Chúng ta đã cùng với các chuyên gia của Hoa Kỳ đóng góp để hoàn thiện mô hình. Ngày hôm nay, chính thức mô hình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Chúng tôi tin rằng, trong quá trình triển khai, vấn đề cảnh báo lũ quét, sạt lở đất sẽ được nâng lên về chất lượng; khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc đưa ra các ý kiến đối với các quốc gia về công tác dự báo khí tượng – thủy văn này để bản tin càng ngày càng chính xác hơn.” – GS Trần Hồng Thái chia sẻ.

Kiên Trung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-tiep-nhan-he-thong-huong-dan-canh-bao-sat-lo-lu-quet-1-3-trieu-usd-2034436.html