Việt Nam triển khai bản đồ cảnh báo rủi ro khí hậu cho ngành xây dựng

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, Việt Nam đang tiên phong ứng dụng hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro khí hậu trực tuyến nhằm nâng cao khả năng chống chịu của các công trình xây dựng.

Hệ thống này được phát triển trong khuôn khổ chương trình thí điểm chỉ số khả năng chống chịu của tòa nhà (BRI), do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, hỗ trợ triển khai.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo một cán bộ chương trình của IFC, công cụ này cung cấp nền tảng bản đồ trực tuyến thể hiện rõ các khu vực có nguy cơ cao về khí hậu và thiên tai, đồng thời tạo ra khung đánh giá khả năng thích ứng cho ngành xây dựng.

Bản đồ rủi ro tích hợp thông tin về bốn nhóm thiên tai chủ yếu tại Việt Nam gồm gió bão, ngập lụt, cháy và địa chấn (bao gồm cả sạt lở đất). Các mức độ nguy cơ được thể hiện bằng màu sắc trực quan, giúp các nhà đầu tư, đơn vị thiết kế và cơ quan quản lý có thể dễ dàng nhận biết, đánh giá và đưa ra các quyết định phù hợp về quy hoạch và xây dựng.

Chương trình thí điểm BRI đang được triển khai tại năm địa phương bao gồm Sa Pa, Quảng Nam, Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. Đây là các khu vực đại diện cho các dạng địa hình và nguy cơ thiên tai khác nhau: vùng núi dễ sạt lở, vùng ven biển thường xuyên đối mặt với bão và ngập lụt, trong khi khu vực đồng bằng có nguy cơ sụt lún cao.

Qua hai năm triển khai với hơn 60 tiêu chí đánh giá, kết quả cho thấy hơn một nửa số công trình không đạt chuẩn về khả năng chống chịu, chỉ có hai công trình đạt mức trung bình. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc thay đổi tư duy thiết kế công trình, từ phản ứng bị động sau thiên tai sang chủ động tính toán sức bền ngay từ khâu thiết kế ban đầu.

Theo đại diện IFC, việc đầu tư vào khả năng chống chịu không chỉ bảo vệ công trình khỏi các thiệt hại nặng nề do thiên tai mà còn mang lại hiệu quả kinh tế dài hạn. Cụ thể, mỗi 1 USD đầu tư vào tăng cường khả năng thích ứng khí hậu sẽ tiết kiệm được khoảng 4 USD chi phí sửa chữa và phục hồi sau thiên tai.

Bên cạnh đó, một công trình được thiết kế với tầm nhìn 10 năm sẽ không đủ sức chống chọi trước các cơn bão mạnh, vốn chỉ xảy ra vài chục năm một lần, trong khi công trình có tầm nhìn thiết kế 50 năm sẽ duy trì được độ an toàn và hoạt động ổn định.

Thực tế trong thời gian gần đây như bão Yagi, các đợt dư chấn tại Hà Nội và TP.HCM, hay động đất tại Kon Tum đều là những phép thử rõ ràng cho khả năng chống chịu của các công trình hiện tại ở Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành một số tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng như quy chuẩn QCVN 02:2022 và các quy định về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, theo IFC, các tiêu chuẩn hiện hành vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Vì vậy, việc bổ sung chỉ số BRI như một tiêu chuẩn mới có vai trò rất quan trọng.

Đây không chỉ là công cụ đánh giá kỹ thuật, mà còn là một chỉ báo giúp các dự án dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khí hậu quốc tế vốn đang trở thành xu hướng đầu tư xanh trên toàn cầu.

Việc Việt Nam triển khai hệ thống bản đồ rủi ro khí hậu và áp dụng chỉ số khả năng chống chịu BRI được xem là một bước tiến đáng kể trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn, bền vững trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ tài sản và sinh mạng con người, đây còn là nền tảng để thu hút đầu tư quốc tế và xây dựng một ngành xây dựng hiện đại, thích ứng hiệu quả với tương lai.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-trien-khai-ban-do-canh-bao-rui-ro-khi-hau-cho-nganh-xay-dung-d287422.html