Việt Nam trúng cử POC của UPU: Hướng đi mới của ngoại giao đa phương

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đánh giá, việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, là biểu tượng của sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong việc triển khai công tác hội nhập quốc tế thành công.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang trả lời phỏng vấn về ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử POC của UPU. (Ảnh: Tuấn Anh).

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang trả lời phỏng vấn về ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử POC của UPU. (Ảnh: Tuấn Anh).

Trả lời Báo Thế giới và Việt Nam, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đã nêu bật ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử POC của UPU trong cuộc bỏ phiếu cạnh tranh hết sức gắt gao ngày 26/8 vừa qua tại Đại hội UPU lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại thành phố Abidjan, Bờ Biển Ngà.

Định hình các chính sách quan trọng nhất về bưu chính thế giới

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, kết quả này là một tin vui đối với Việt Nam nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng.

Bưu chính là một ngành quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia, cũng như nền kinh tế toàn cầu, nhằm bảo đảm sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như các nước đang phát triển nền kinh tế số, việc luân chuyển, lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ càng trở nên quan trọng, bảo đảm cho nền kinh tế được vận hành trơn tru.

Chính vì vậy, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) được ra đời từ rất sớm (năm 1847), là một trong những tổ chức quốc tế lâu đời nhất thế giới và tồn tại cho đến ngày nay.

Đến năm 1948, UPU trở thành một trong những tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc với sự tham gia của tất cả các thành viên Liên hợp quốc.

Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC), mà Việt Nam vừa trúng cử, được coi là bộ não của UPU, nơi hoạch định ra các chính sách, tiêu chuẩn để ngành bưu chính được vận hành không chỉ ở mỗi quốc gia mà trên toàn cầu.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhận định việc Việt Nam trở thành thành viên của POC đồng nghĩa với Việt Nam tham gia vào việc định hình các chính sách quan trọng nhất về bưu chính thế giới.

“Đây là một thành công lớn của bưu chính Việt Nam, của Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự trực tiếp Hội nghị UPU lần thứ 27, cùng tân Tổng Giám đốc UPU Masahiko Metoki và một số Trưởng đoàn.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự trực tiếp Hội nghị UPU lần thứ 27, cùng tân Tổng Giám đốc UPU Masahiko Metoki và một số Trưởng đoàn.

Ba ý nghĩa đối ngoại lớn

Ở góc độ đối ngoại, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đã nêu bật nhiều ý nghĩa lớn của sự kiện.

Một là, thể hiện vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây là cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao vào 48 vị trí của POC. Đặc biệt, khu vực địa lý mà Việt Nam ứng cử là khu vực Nam Á và châu Đại Dương, luôn là khu vực cạnh tranh gay gắt nhất trong các cuộc bầu cử tại UPU. Năm nay, có tới 20 nước đăng ký ứng cử cho 11 vị trí dành cho khu vực Nam Á và châu Đại Dương.

Giành được tấm vé chiến thắng trong cuộc đua này không chỉ thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam vào các công việc chung của thế giới, mà còn thể hiện hình ảnh một Việt Nam năng động, tích cực, sẵn sàng làm đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Hai là, sự nhận thức và triển khai hiệu quả của các bộ, ngành trong công tác hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn mới, không chỉ riêng Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành trong Chính phủ đã thực sự coi hội nhập quốc tế là một trọng tâm trong công tác của mình, là con đường để vươn ra thế giới, nhằm thể hiện với bạn bè thế giới rằng Việt Nam có năng lực, sẵn sàng, có thiện chí đóng góp vào các công việc của thế giới.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai trình bày 2 bài phát biểu tại phiên họp Ủy ban về chính sách và chiến lược của UPU.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai trình bày 2 bài phát biểu tại phiên họp Ủy ban về chính sách và chiến lược của UPU.

Ba là, hình mẫu của sự phối hợp, hợp tác giữa các bộ, ngành trong việc triển khai công tác đối ngoại.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam không thể cử đoàn sang Bờ Biển Ngà tranh cử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực triển khai các nội dung vận động tranh cử, còn Bộ Ngoại giao trực tiếp vận động đối ngoại, phát huy vai trò của Cơ quan đại diện, cử Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ) trực tiếp tham gia vận động tranh cử.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá thành quả này là một biểu tượng của sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong việc triển khai công tác hội nhập quốc tế thành công.

Kết luận, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng trong thời gian tới, ngành bưu chính nói riêng và các bộ, ngành khác sẽ tiếp tục thể hiện mình và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

“Không dừng lại ở đây, thành công của Việt Nam tại UPU sẽ tiếp tục lan tỏa, cộng hưởng hơn nữa, là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội cho các bộ, ngành đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang kỳ vọng.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-trung-cu-poc-cua-upu-huong-di-moi-cua-ngoai-giao-da-phuong-156953.html