Việt Nam – Trung Quốc công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan

Như đã đưa tin, trưa 13/10, tại trụ sở Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam đã trao Kế hoạch hành động giữa Hải quan Việt Nam Việt Nam và Hải quan Trung Quốc về Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên.

Trao đổi với phía Hải quan Việt Nam, được biết, Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam, Bộ Tài chính, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung Quốc thể hiện thiện chí của hai bên trong việc hướng tới ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên.

Đại diện hai nước trao đổi Kế hoạch hành động. Ảnh: TL.

Đại diện hai nước trao đổi Kế hoạch hành động. Ảnh: TL.

Theo đó, Kế hoạch gồm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, hai bên sẽ nghiên cứu chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của nhau; ở giai đoạn 2, hai bên so sánh quy định pháp luật và thẩm định chung. Kế hoạch là thỏa thuận cấp ngành, không phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Thống kê mới nhất từ Hải quan Việt Nam cho thấy, tháng 9 vừa qua, cả nước chi 12,24 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trong tháng có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch "tỷ đô" là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Tính chung 9 tháng, Việt Nam chi 104,8 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 25,53 tỷ USD). Trong đó, có 15 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, bao gồm 2 nhóm đạt kim ngạch chục tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,79 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (20,87 tỷ USD).

Đoàn công tác của Cục Hải quan Quảng Ninh làm việc với doanh nghiệp ưu tiên Trung Quốc hoạt động tại địa bàn để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL.

Đoàn công tác của Cục Hải quan Quảng Ninh làm việc với doanh nghiệp ưu tiên Trung Quốc hoạt động tại địa bàn để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL.

Chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt 44,4 tỷ USD, tăng nhẹ 2,94% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,27 tỷ USD). Hết tháng 9 có 10 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, có 1 nhóm "chục tỷ đô" là điện thoại và linh kiện đạt 10,86 tỷ USD.

Lũy kế 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 149,2 tỷ USD. Cán cân thương mại thâm hụt lớn về phía Việt Nam với con số nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 60,4 tỷ USD.

Có thể thấy, trong một thời gian dài, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới./.

Việc công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp của hai nước. Bởi, theo chia sẻ của ông Phạm Hà Linh – Trưởng phòng, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), khi được ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được thông quan nhanh chóng bằng cách giảm kiểm tra hồ sơ và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, tùy thuộc vào việc đánh giá mức độ rủi ro an ninh; ưu tiên kiểm tra trước đối với hàng hóa được lựa chọn để kiểm tra thực tế. Trong trường hợp có sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế, cố gắng ưu tiên thông quan nhanh cho hàng hóa của các nước tham gia ký kết Thỏa thuận.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-trung-quoc-cong-nhan-lan-nhau-ve-doanh-nghiep-uu-tien-trong-linh-vuc-hai-quan-161665.html