Việt Nam - Trung Quốc: Khi hai bên đều đặc biệt coi trọng vị thế của nhau
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc. Chuyến thăm thu hút sự quan tâm của khu vực và thế giới.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc kể từ sau Đại hội XX, đồng thời cũng là hoạt động ngoại giao trong nước đầu tiên của đại lục kể từ khi ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập.
Ngày 2/11, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó khẳng định hai bên sẽ tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Hai nước nhất trí tăng cường liên lạc chiến lược, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi, tiếp nối quan hệ hữu nghị truyền thống và xử lý đúng đắn những khác biệt trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau nhằm duy trì sự phát triển chung của mối quan hệ song phương cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực.
Việt Nam - Trung Quốc cũng cam kết tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế, chung tay đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, đóng góp vào việc duy trì hòa bình khu vực và toàn cầu cũng như thúc đẩy sự phát triển chung.
Duy trì quan hệ trong thế giới biến động
Thời gian vừa qua, môi trường thế giới đã có những biến động đầy phức tạp, trong đó phải kể tới cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine...
Với đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đã liên tục bị đứt gãy, các nền kinh tế trên thế giới hầu hết đều bị tổn thương. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam - Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao là một dấu mốc son trong quan hệ song phương của hai quốc gia. Từ đầu năm 2020 đến nay, hai Tổng Bí thư đã 4 lần điện đàm và nhiều lần trao đổi thư, điện nhân các sự kiện chính trị quan trọng của mỗi bên.
Khi kinh tế toàn cầu đang hồi phục chậm chạp do đại dịch vẫn tiếp diễn, hai nước cần hợp tác cùng nhau duy trì chuỗi cung ứng và công nghiệp khu vực. Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa hai Đảng và hai nước đóng vai trò rất quan trọng.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thương mại Việt Nam - Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN, đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên vẫn còn những trở ngại. Thứ nhất, đó là việc thương mại hai chiều vẫn còn mất cân bằng, cán cân xuất khẩu luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Thứ hai, trong thời gian vừa qua, quan hệ kinh tế hai bên đã có những lúc gặp khó khăn vô vàn khi rất nhiều hàng hóa của hai bên đã không thể xuất khẩu qua biên giới do chính sách chống dịch khác nhau.
Chính vì vậy, trong Tuyên bố chung có khẳng định: “Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước. Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho khoai lang, các loại hoa quả có múi, tổ yến và một số nông thủy sản của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho sữa của Trung Quốc”.
Đối với tình hình thế giới hiện nay, các cuộc “cạnh tranh nước lớn” vẫn đang diễn ra quyết liệt, khiến cho toàn bộ môi trường an ninh toàn cầu bị đảo lộn. Sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn làm gia tăng thêm sự bất ổn ở khu vực Đông Nam Á.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Thế giới biến động hết sức phức tạp, hai nước chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng. Vì vậy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa là trách nhiệm lịch sử, vừa là yêu cầu khách quan, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước”.
Thúc đẩy hợp tác thực chất
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa, đang nỗ lực đi sâu đổi mới, cải cách mở cửa. Cả hai nước đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc xây dựng và phát triển, đổi mới. Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phù hợp lợi ích căn bản, lâu dài của hai bên, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Trong chuyến thăm Trung Quốc chính thức lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 13 văn kiện đã được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương của hai nước ký kết.
Việc ký kết 13 văn kiện hợp tác này cũng thể hiện rõ nội dung mà hai Đảng đã đi sâu trao đổi, đó là cả hai bên cùng nhất trí tăng cường hợp tác về các lĩnh vực thực chất, đặc biệt nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương; nhấn mạnh Việt Nam - Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng và giàu tiềm năng của nhau.
Các văn kiện hợp tác này trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có cả các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan trong Đảng, Chính phủ và các địa phương.
Nét nổi bật trong các văn kiện hợp tác giữa hai bên lần này chính là hai bên coi trọng các quan hệ thực chất, trong đó các hoạt động thiết thực như Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Việt-Trung, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Các văn kiện này đóng một vai trò quan trọng cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và ngược lại.
Phía doanh nghiệp và người dân Việt Nam cũng cần tìm hiểu và đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Trung Quốc, từ đó mới có thể duy trì việc xuất khẩu ổn định trong thời gian tới các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường đông dân nhất thế giới này.
Hòa bình, ổn định Biển Đông
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa", sử dụng hiệu quả cơ chế đàm phán biên giới cấp Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương, đàm phán hữu nghị, tích cực bàn bạc về các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Đồng thời, hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.
Tăng cường tin cậy chính trị
Trả lời Hoàn Cầu thời báo, ông Cát Hồng Lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh biển Trung Quốc - ASEAN thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây, cho rằng tuyên bố chung đã làm rõ cách thức Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác và phát triển.
Ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, thì cho rằng: “Chuyến thăm của Tổng Bí thư đã tăng cường sự tin cậy chính trị và trao đổi chiến lược song phương, thể hiện việc trao đổi giữa hai Đảng đã trở nên ngày càng quan trọng trong quan hệ Việt - Trung”.
Chuyên gia Lý Minh Hán - người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, đồng thời là cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong” nhận định, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ngay sau Đại hội XX của Trung Quốc thể hiện cả Trung Quốc và Việt Nam đều đặc biệt coi trọng vị thế của nhau, coi trọng mối quan hệ song phương giữa hai Đảng, hai nước.