Việt Nam trước cơ hội trở thành số 1 thị trường cà phê thế giới
Hiện Việt Nam chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu cà phê vào Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất thế giới.
Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị “Xúc tiến thương mai Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu và Đầu tư quốc tế” do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức, các đại biểu tham gia hội nghị cả trong và ngoài nước từ các công ty rang xay, chế biến, xuất nhập khẩu cà phê đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm hoạt động để tận dụng cơ hội đưa Việt Nam dẫn đầu thị trường cà phê toàn cầu.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam Vicofa (VICOFA) cho biết: “Niên vụ 2019-2020, Việt Nam đã xuất khẩu 1,6 triệu tấn. So với niên vụ 2018-2019, sản lượng sụt giảm 15%; do bão lũ, thời tiết thay đổi, giá cà phê xuống 4 năm liên tục nên người dân cũng không mặn mà.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam có nhiều thay đổi. Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam cũng đẩy mạnh sang chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan (chiếm khoản 12%)".
Theo ông Tự, hiện VICOFA cũng đang đẩy mạnh việc xúc tiến tiêu thụ cà phê trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ cà phê rang xay, chế biến cũng như đẩy mạnh văn hóa thưởng thức cà phê cao cấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có các chương trình hỗ trợ.
Mặc dù có sự sụt giảm đáng kể, nhưng Việt Nam đứng trước các cơ hội rất lớn từ hơn 14 Hiệp định thương mại đã được ký kết, trong đó có một số hiệp định lớn với EU, CP TPP giúp chúng ta có cơ hội được hưởng lãi suất chỉ từ 0-6% khi gia nhập các thị trường lớn cũng như mạng lại nguồn lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt từ 15%-20% (lợi nhuận/ doanh thu…) đến năm 2030.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Phó chủ tịch VICOFA, Tổng Giám đốc TNI King Coffee, đồng sở hữu tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá và vươn mình thành cường quốc số 1 về cà phê.
"Nếu chúng ta nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam, chúng ta sẽ có cơ hội đạt được 2 thành tựu quan trọng. Thứ nhất là giúp cho 10% sản lượng cà phê nhân xuất khẩu thành cà phê thành phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Thứ hai là gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa từ 1.68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023).
Và chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra, góp phần tạo dựng nên thương hiệu chung cho ngành cà phê Việt Nam”, bà Thảo nói.
Tại hội nghị, Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đóng góp mô hình nâng cao giá trị ngành cà phê và chia sẻ kinh nghiệm từ Brazil, tập trung vào đẩy mạnh phát triển tiêu thụ cà phê nội địa.
Ngoài ra, các dự án mà TNI King Coffee đã và đang triển khai như: Women Can Do, quỹ Happy Farmer… sẽ là chiến lược giúp xây dựng thương hiệu cà phê Việt ngày càng lớn mạnh, và được nâng tầm trên thị trường thế giới.
Các đại diện từ hiệp hội cà phê Trung Quốc, Brazil, Thái Lan và các hiệp hội cà phê quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển và nâng cao thương hiệu quốc gia với các doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, ông Xiong Xiangren - Tổng giám đốc tập đoàn Hoogwood, một trong các công ty cà phê lớn nhất Trung Quốc, Chủ tịch Asian Coffee Association cho biết: “Trong năm 2020, sản lượng tiêu thụ cà phê trung quốc nội địa đạt 350,000 tấn. Trong đó, việc tiêu thụ cà phê qua các nền tảng thương mại điện tử tăng lên 200%, lượng tiêu thụ offline chỉ còn chiếm khoảng 60%.
Năm nay, sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa ở Trung quốc đạt 250 tỷ nhân dân tệ, tăng gần 30% so với năm ngoái. Nếu chia bình quân trên đầu người là 9 cốc cà phê/người. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam hơn 30 ngàn tấn trên tổng 110 ngàn tấn, từ 84 quốc gia”.
Điều này có nghĩa là Việt Nam chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu cà phê vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới này. Các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc bao gồm cả cà phê nhân xanh, rang xay, lẫn hòa tan, RTD.
Việc thúc đẩy hợp tác giữa ACA và VICOFA sẽ hỗ trợ thúc đẩy B2B ở cả Việt Nam và xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch nhập khẩu thương mại giữa hai quốc gia.